Bảy mươi năm vẫn thắm mãi "Màu tím hoa sim tím"
Bài thơ khiến tên ông nổi tiếng trong làng thơ của cả nước và cũng khiến ông “lên bờ xuống ruộng” đảo điên cuộc đời ở tuổi còn đang đà vươn lên với thời cuộc và như vậy ông đã dang dở thả buông tất cả như những tảng bọt, cánh bèo mặc để lờ đờ trôi theo dòng nước.
Mãi đến trên chục năm sau khi Đảng và Nhà nước ta có chủ trương và công khai lại “thời nhân văn giai phẩm” thì Màu tím hoa sim và nhiều tác phẩm thơ, ca, văn học và nhiều tác giả được minh oan, Màu tím hoa sim được tự do lưu hành như nhiều bài thơ, bài ca nhiều tác phẩm... được trở về với giá trị tên tuổi đích thực và nhất là khi Màu tím hoa sim được Công ty cổ phần Công nghệ Việt Nam chấp thuận với tác giả mua bản quyền bài thơ một trăm triệu đã phản ánh toàn bộ giá trị đích thực của Màu tím hoa sim.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Loan có bút danh: Hữu, Sắt Đỏ. Ông sinh năm 1915. Quê quán: Xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Ông nguyên là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Bài thơ Màu tím hoa sim ra đời trong hoàn cảnh rất đặc biệt: Năm ông 20 tuổi rời Nga Sơn lên thị xã Thanh Hóa học trường Trung học. Vì nhà nghèo nên phải vừa học, vừa làm gia sư cho gia đình ông Lê Đỗ Kỳ, Tổng Thanh tra Nông Lâm Đông Dương hồi đó. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, ông Lê Đỗ Kỳ là đại biểu Quốc hội khóa I. Học trò của ông Hữu Loan là cô Lê Đỗ Thị Ninh chưa đầy 10 tuổi. Bà mẹ cô Ninh quý mến thầy giáo Loan như người con trong gia đình, bà khoe với mọi người “Tôi quý cái nhân cách của cậu ấy”. Càng lớn cô Ninh càng xinh đẹp và nết na. Tuy con nhà giàu và có thế lực nhưng cô vẫn chăm chỉ làm mọi việc như nuôi gà, nuôi lợn, nội trợ gia đình, cô ăn mặc giản dị như các cô gái bình thường khác. Sau khi Hữu Loan tốt nghiệp Thành chung thì ra Hà Nội học Ban Tú tài rồi lại trở về Thanh Hóa dạy học và tham gia phong trào Việt Minh, rồi cũng tham gia lãnh đạo cướp chính quyền ở Nga Sơn. Trong cuộc mít tinh cổ động “Tuần lễ vàng”, cô Lê Đỗ Thị Ninh xúc động về bài diễn thuyết của Hữu Loan bèn cởi vòng xuyến ủng hộ Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh. Bà mẹ cô vốn quý mến Hữu Loan, muốn se duyên cho con gái và thực ra trong tâm hồn trong trắng của cô Ninh, tình yêu đến một cách hồn nhiên, mặc dù Hữu Loan hơn cô 16 tuổi. Có chuyện vui vui là vì do quá chênh lệch tuổi tác, mỗi lần ra đường Hữu Loan thường đi chếch trước hoặc tụt lại sau một đoạn, nhưng cô Ninh hiểu ý bắt Hữu Loan phải cùng đi ngang...
Vốn dĩ con người có nhiều cá tính, Hữu Loan đã bộc lộ rất rõ tính cách của mình, ông tỏ ra “bất kham” trước những sai lầm của một số người làm quản lý ông và vì thế ông đã hai lần bỏ về quê cày cuốc rồi lại được gọi đi làm. Năm 1957 ông bỏ về nhà hẳn.
Thôn Văn Hoàng, xã Nga Lĩnh cố hương lại trở thành nơi ẩn cư suốt mấy chục năm dài dằng dặc. Ông thực sự đổ mồ hôi căng cơ bắp để làm ra miếng ăn cái mặc hàng ngày. Với đôi bàn tay vạm vỡ chai sạn nắm càng xe cút kít và xe đạp thồ chở đá, chở gạch. Thỉnh thoảng có những cô gái tò mò c h ạ y dọc theo bờ mương Hưng Long đến chân núi xem trộm mặt và tóc tai bù xù của nhà thơ Màu tím hoa sim. Có chuyện mấy ông chuyên gia nước ngoài đi qua thấy ông lão râu tóc bạc phơ dừng xe cút kít ngồi đọc dưới nắng mà lại đọc Ban dắc nguyên bản tiếng Pháp, họ tỏ ra bái phục người Việt Nam.
Ông sống ẩn dật ngang tàng và hơi bất cần. Mãi đến giữa những năm tám mươi của thế kỷ trước, theo chỉ thị của trên mà trực tiếp là Hội Nhà văn Việt Nam giao cho chi hội Nhà văn Thanh Hóa làm thủ tục hưu trí cho ông. Theo cố nhà văn Kiều Vượng khi đó nhà văn Kiều Vượng là Chánh Văn phòng Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa trực tiếp từ A đến Z để làm sổ hưu cho Hữu Loan.. Ông được hưởng lương hưu trên chục năm và khoản một trăm triệu nhượng lại bản quyền cho công ty CP Công nghệ Việt Nam chấp thuận với tác giả. Không phải vì một trăm triệu mà Màu tím hoa sim trở về đích thực. Ông Hữu Loan vui vui và những thế hệ thích thơ như chúng tôi càng vui.
Có một chuyện thật đáng kể ở đây:
Năm đám tang Hữu Loan ở quê nhà thì tận Hà Nội ông Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu khi đó cũng là Ủy viên TW Đảng, Đại biểu Quốc hội và mấy ông bà nữa từ Hà Nội vào Nga Lĩnh dự tang lễ. Rất nhiều người ngạc nhiên thì ông Nguyễn Quốc Triệu mới thủ thỉ: “Chính nhờ bài thơ Màu tím hoa sim mà tôi sống sót”. Hỏi kỹ ông Nguyễn Quốc Triệu mới nói sự tình: Năm 1972 ông là một trong những chiến sĩ của quân đội nhân dân Việt Nam đóng ở Quảng Trị, chỉ đến tối mai cả đơn vị ông sẽ vào một trận đánh quyết liệt với địch: Tối đó ông và số bạn đồng đội thích thơ ngồi quây quần đọc thơ cho nhau nghe. Ông Nguyễn Quốc Triệu cao hứng đọc bài Màu tím hoa sim. Không ngờ đồng chí chính trị viên tiểu đoàn nghe được. Ông nổi cáu và xin ý kiến sở chỉ huy tiền phương đưa Nguyễn Quốc Triệu về phía sau kiểm điểm chờ xử lý kỷ luật.
Ông Nguyễn Quốc Triệu tưng hửng, buồn bã lo lắng không được cùng đồng đội tham gia trận đánh then chốt tối hôm sau và cũng chính trận đánh đó cả đại đội ông hi sinh không còn một người. Vì thế ông Nguyễn Quốc Triệu cho rằng bài thơ Màu tím hoa sim “rất thiêng” đã cứu ông sống sót nên từ đó ông biết Hữu Loan và mỗi bước tiến bộ của ông, Hữu Loan đều biết đến...
70 năm vẫn thắm mãi Màu tím hoa sim, xin một lần cảm ơn nhà thơ Hữu Loan đã găm lại Màu tím hoa sim trong thế hệ như chúng tôi: Mang bài thơ ra trận và đến nay vẫn giữ nguyên những câu thơ đó neo lại ở cả tuổi tà tà bóng đã ngả về Tây.
Nguyễn Thiện Phùng - Hội viên Hội VHNT Thanh Hóa
Gửi bình luận