Bật mí về Chương trình Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa
Chương trình Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa với chủ đề “Tỏa sáng cùng non sông đất nước” sẽ diễn ra tại quảng trường Lam Sơn, Tp. Thanh Hóa vào 20h tối 8/5 là sự kiện quan trọng để khẳng định sự lớn mạnh của vùng đất xứ Thanh.
Lê Quý Dương - Tổng đạo diễn Chương trình Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa cho biết, đây là một chương trình ông rất tâm đắc bởi tính sử thi “đặc biệt khó nhưng thú vị”. Chương trình sẽ diễn ra hoành tráng với âm hưởng sử thi, nhiều gam màu mới, lạ được lồng ghép trong kịch bản để làm nổi bật những giá trị lịch sử của vùng đất xứ Thanh. Chia sẻ về chủ đề “Tỏa sáng cùng non sông đất nước”, đạo diễn cho rằng, chương trình với nội hàm nhân văn và triết học sâu sắc. Trong lịch sử 990 năm tên gọi Thanh Hóa, xứ Thanh là cái nôi phát tiết và sinh dưỡng nhiều anh hùng và danh nhân của dân tộc. Chính những con người này, cùng với nhân dân xứ Thanh đã tỏa sáng cùng non sông đất nước. Lê Quý Dương cho biết, điều khó nhất để hoàn thiện kịch bản gói gọn trong 50 phút của chương trình nghệ thuật là phải làm nổi bật vùng đất và con người trải dài từ thời Lý, Trần, Hồ, hậu Lê, Trịnh-Nguyễn cho tới thời đại ngày nay.
Dấu mốc 990 năm được tính từ khi hình thành tên gọi Thanh Hóa, vì vậy Lê Quý Dương cho rằng việc gói gọn tiến trình lịch sử trong 50 phút sao cho đầy đủ, tinh tế là một thách thức lớn đối với bất cứ tác giả, đạo diễn nào. Đạo diễn cho biết, tổng thể không gian sân khấu sẽ là sự kết hợp giữa mỹ thuật sắp đặt tĩnh và động với kỹ thuật hiện đại. Điểm nhấn của Chương trình Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa là sự xuất hiện của mặt trống đồng với đường kính 15m được thiết kế giữa trung tâm sân khấu, tôn vinh Thần trống Đồng hiện còn được thờ ở đền Đồng Cổ - ngôi đền lâu đời nhất xứ Thanh. Toàn bộ chương trình được biểu tượng hóa thành câu chuyên kể của Thần Đồng Cổ. Từ mặt trống đồng trung tâm mở ra hai phía là các di tích văn hóa lịch sử xưa và các công trình hiện đại hôm nay như đền Đồng Cổ, Thành nhà Hồ, Tượng đài Lê Lợi (bên trái), mô hình biểu tượng của tỉnh, cầu Hàm Rồng và các khu công nghiệp hiện đại (bên phải).
Với mong muốn tạo tính hấp dẫn, đa dạng với nhiều yếu tố bất ngờ, Chương trình nghệ thuật sẽ áp dụng phương pháp dàn dựng tổng thể kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật. “Nghệ thuật tuồng, chèo cổ, trống đồng, ngâm vịnh được kết hợp các thể văn tế, cáo sẽ được đan xen với ca múa nhạc với việc ứng dụng mỹ thuật sắp đặt tĩnh và động, kỹ thuật cơ học sân khấu, âm thanh, ánh sáng, pháo kỹ xảo và nghệ thuật trình chiếu video hiện đại… tạo nên một bức tranh đa sắc màu cho chương trình”. Lê Quý Dương khẳng định, sẽ có 2970 ống pháo hoa kỹ xảo sân khấu được chia thành ba lần trong chương trình, mỗi lần 990 ống tượng trưng cho lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa. Chương trình có 500 nghệ sỹ, diễn viên tham gia dàn dựng, biểu diễn, trong đó có những tên tuổi như NSND Hương Thơm, Trương Hải Thọ, Trần Bình, nhạc sỹ NSƯT Thế Việt, NSƯT Mạnh Tiến, nghệ sĩ Đạt Tăng. Trong dàn ca sỹ có thể kể tới Trọng Tấn, Anh Thơ, Huyền Trang, Lê Anh Dũng trong đó Trọng Tấn hát Chào sông Mã anh hùng với bản phối hoàn toàn mới, lồng ghép di sản văn hóa phi vật thể của Thanh Hóa.
Tổng đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ, “Điều thú vị nhất của Chương trình chính là tính lịch sử và văn hóa. Chính sự hiểu biết về lịch sử và văn hóa hôm qua đang mở ra cho hiện tại của chúng ta những bài học to lớn để đi tới tương lai vững vàng. Tôi thấy càng ngày càng cần có nhiều những chương trình sự kiện về truyền thống văn hóa và lịch sử của dân tộc trên mọi miền của đất nước để các thế hệ hôm nay nhận thức sâu sắc các thế hệ cha ông của chúng ta đã sống, đã chiến đấu và dựng xây đất nước. Chương trình này là cơ hội vô cùng ý nghĩa cho chính tôi được học hỏi và chiêm ngưỡng một dân tộc Việt Nam lạc quan, cần cù, chịu khó, anh hùng, bất khuất đến nhường nào”.
Được biết, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập hội đồng cố vấn gồm các nhà nghiên cứu lịch sử hàng đầu Việt Nam và chuyên gia về vùng đất xứ Thanh để trao đổi, phản biện với một tinh thần hết sức khách quan và khoa học để có được những nội dung chính xác phục vụ cho Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa.
Lê Quý Dương đã viết kịch bản và tổng đạo diễn dàn dựng các sự kiện quy mô quốc gia và quốc tế tại Việt Nam như Festival Huế, Festival Biển Nha Trang, Festival Đờn ca Tài tử Nam bộ, Festival Cà Phê Buôn Ma Thuột, Festival Di sản Hội An, Festival pháo hoa Đà Nẵng… Các chương trình do Lê Quý Dương đạo diễn để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả với nhiều sáng tạo mới lạ, kết hợp nhuần nhuyễn giữa các giá trị văn hóa truyền thống và kỹ thuật hiện đại, tạo nên tính đặc sắc, độc đáo và không lặp lại. Lê Quý Dương đã lập 6 kỷ lục Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, được giới truyền thông mệnh danh là “Vua lễ hội” trong nhiều năm qua. Hiện nay, Lê Quý Dương là Ủy viên BCH Hiệp hội Sân khấu Thế giới – ITI – UNESCO và là Chủ tịch của Diễn đàn Festival Quốc tế với hơn 100 quốc gia thành viên. |
Song Anh
Gửi bình luận