Bất cập trong bảo tồn di sản văn hóa
Nhiều năm nay, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhất là những năm thập kỷ 90 thế kỷ trước cho đến nay, nhiều di tích được lập hồ sơ xếp hạng bảo vệ và tôn tạo, tu bổ, phục hồi; v.v… ngày một tăng lên. Trước hết, phải khẳng định rằng nhờ có sự phấn đấu vượt khó nghiên cứu, khám phá tìm tòi với tấm lòng nhân văn và tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn từ trung ương đến địa phương và sự đồng lòng tiếp sức của nhân dân nên hàng vạn di tích được xếp hạng, bảo vệ tôn tạo, tu bổ và phát huy tác dụng khá tốt. Tuy nhiên, lợi dụng chính sách ưu đãi về văn hóa của Nhà nước mà tại một số địa phương trong quá trình lập hồ sơ xếp hạng di tích, tôn tạo, phục hồi kể cả về lễ hội, có lúc, có nơi đã cố ý làm trái quy định của Nhà nước, ảnh hưởng đến tôn vinh, lòng tự hào dân tộc, sai trái bản chất thuộc tính bên trong của di sản, gây tốn kém tiền của lãng phí, dẫn đến bất bình trong nhân dân.
Thứ nhất là bệnh thành tích trong công tác lập hồ sơ công nhận di tích
Đây là khâu quan trọng mang tính quyết định về việc xác lập một hồ sơ khoa học đầy đủ, làm cơ sở pháp lý cho việc có được công nhận di tích và hạng bậc thuộc cấp nào hay không? Song, việc này trong thực tế thường nảy sinh ra căn bệnh thành tích, phóng đại, tô màu để tạo ra những bộ hồ sơ thiếu thực tế, không khoa học, tuy những trường hợp này không nhiều nhưng đã ảnh hưởng đến niềm tin thiêng liêng của nhân dân đối với di sản dân tộc ta. Trong thực tế, đã xuất hiện mâu thuẫn trái chiều nhau giữa một bên là những người làm khoa học xã hội hay nói một cách khác là Hội đồng khoa học Nhà nước về di sản với một bên là nhu cầu có được bằng công nhận di tích cấp càng cao càng tốt của địa phương. Người làm khoa học tư vấn cho Bộ, tỉnh, thành phố để công nhận một di tích kiến trúc, lịch sử, thiên nhiên là di sản phải thật khách quan, công tâm trên cơ sở tư liệu thật trong thực tế. Muốn vậy, các địa phương cũng phải thật sự khách quan không nên vì danh hão, thành tích mà thêm bớt, phản ảnh cứ liệu không đúng thực tế trong quá trình lập hồ sơ công nhận di tích. Nếu quá trình lập hồ sơ thẩm định hồ sơ, công nhận hay không công nhận hoặc lên hạng, xuống hạng loại di tích ở mức nào mà không thực tế, không khoa học thì để lại những hậu quả đáng tiếc. Đó là một căn bệnh mang tính thành tích, coi thường giá trị nhân văn trong di sản, dẫn đến hành vi thiếu nghiêm túc, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm đối với quyền hưởng thụ chính đáng về văn hóa của nhân dân.
Vì vậy, nếu các nhà khoa học ở Trung ương và nhất là Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) có cố gắng đến mấy mà ở các địa phương - những người chủ thể làm văn hóa, cấp tỉnh, huyện, xã, phường không thật sự công tâm thì Hội đồng khoa học về di sản của Trung ương cũng khó mà hoàn thành được nhiệm vụ như mong muốn.
Thứ hai là “cố ý làm trái”
Sau khi Nhà nước cấp bằng công nhận di tích, có những người chủ quản di tích ở địa phương báo cáo cấp chính quyền trực tiếp, Cục Di sản văn hóa, xin được tu bổ, tôn tạo di tích, điều này là rất cần thiết đối với những di tích đã xuống cấp. Song, tôn tạo, tu bổ thế nào là cả một vấn đề hết sức thận trọng, vì đây là vấn đề rất nhạy cảm. Một nguyên tắc rất cơ bản đối với di tích đó là bảo tồn nguyên trạng, nguyên gốc không được phép làm biến dạng cả về lượng và chất. Nhiều nơi sau khi yên tâm là có bằng công nhận di tích rồi, việc làm như thế nào là quyền ta, muốn làm, ta làm cho đẹp, khang trang với tấm lòng tôn vinh để “tiền nhân” không chê trách là được. Từ những quan niệm về cách nghĩ, cách làm tùy hứng như vậy mà người quản lý di tích cùng với lãnh đạo địa phương tổ chức quyên góp, xin tài trợ hết cấp này, cấp khác để có một khoản tiền lớn và tự tiến hành tu bổ, tôn tạo theo hướng đi riêng của họ. Một cái đình có mấy cái cột lâu ngày bị hổng ruột, mọt, giác, mấy đầu đao, mấy cái xà mốc, nứt nẻ lốm đốm, những hoa văn con giống chạm khắc sứt sẹo, thế là họ hạ giải, tự ý thay thế mà không cần hỏi ý kiến cơ quan quản lý chuyên ngành Nhà nước về di sản. Nhiều nơi còn thay thế gỗ lim, lát sang gỗ tạp rẻ tiền, hoa văn của thời này thì làm mới ở thời khác “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Nhiều ông cán bộ khi nói thì hay lắm, Nhà nước cứ công nhận di tích cho chúng tôi, địa phương sẽ bảo tồn nguyên bản gốc, phát huy tác dụng đúng hướng, thế rồi sau khi họ tôn tạo, tu bổ không những thay thế đồ mới mà còn sơn màu lòe loẹt tùy hứng, gây phản cảm.
Sự thật ấy, công chúng phản ứng, cơ quan chuyên môn di sản, báo chí vào cuộc, người ta đổ lỗi cho người trông coi đền, chùa, tự ý làm, thế nhưng những người đó đâu có biết gì? Thế là người vô tội lại phải nhận lỗi thay, may ra tai qua nạn khỏi, chỉ vì người có trách nhiệm ở địa phương với một lẽ nào đó không bình thường mà cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng, biến dạng, mất bản gốc ban đầu của di tích, như Hà Nội, Thanh Hóa, v.v… cũng đã xuất hiện những cung cách tôn tạo, tu bổ di tích như vậy. Có những địa phương muốn tôn tạo, làm mới trên di tích thì có những động tác dạo đầu, nếu như có xảy ra việc làm trái với quy định của Nhà nước thì họ lại nói rằng chúng tôi cũng đã có ý kiến nhưng không thấy ai nói gì? Có nhân viên hướng dẫn, quảng bá du lịch nói với du khách: Tới đây chúng tôi sẽ xây dựng lầu vọng gác trên cổng thành Di sản thế giới thành nhà Hồ! Thật đáng buồn khi người làm văn hóa - du lịch mà có những câu nói như vậy về một di sản, mà ở đó chỉ có thể bảo tồn nguyên trạng
(Còn nữa)
Gửi bình luận