Bảo vệ môi trường tại các di tích thế nào cho hiệu quả?
Bảo vệ, gìn giữ môi trường của các khu di sản đã và đang là một vấn đề lớn luôn được các cấp – ngành và nhân dân quan tâm thực hiện. Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp bảo vệ môi trường tại các di tích một cách hiệu quả - bền vững dưới đây.
Công tác quy hoạch
Ngoài việc lập dự án cải tạo cơ sở hạ tầng như giao thông, đường điện, nước, hệ thống phòng cháy – chữa cháy… cần quan tâm đến việc lập ra không gian hài hòa như: hồ nước, các khu trồng cây xanh, cỏ hoa, nhà WC, khu bán hàng dịch vụ, tạo không gian đi bộ thích hợp, đưa ra các tiêu chuẩn về sử dụng vật liệu phù hợp, hạn chế việc bê tông hóa, màu sắc dịu, không làm thay đổi, biến dạng các vật thể đã có, không mở nhiều đường đi trong khu di sản.
Quy hoạch các khu đệm gắn với các sản phẩm nông nghiệp, thực vật phong phú như: các khu cánh đồng trồng hoa theo mùa phục vụ khách tham quan chụp ảnh, mua sản phẩm tại vườn. Nơi các trang trại hoa quả như: (ổi, nhãn, vải, chuối…). Quy hoạch trồng cây bóng mát, cây linh thiêng gắn với di tích trên cơ sở nghiên cứu khí hậu, thổ nhưỡng vùng. Bảo tồn gìn giữ, phòng chống dịch bệnh cho các cây đã có, quy hoạch hệ thống đèn điện chiếu sáng, viễn thông, liên lạc phòng cháy chữa cháy phù hợp…
Công tác tuyên truyền phổ biến đến nhân dân và du khách
Ngoài việc lắp đặt các biển bảng, pano, hướng dẫn nội quy, quy định ở trong và ngoài di tích, cần phổ biến cho khách hành hương thăm viếng bằng các việc làm cụ thể như: hạn chế đốt vàng mã, không thắp hương trong hậu cung hay chỗ có không gian hẹp, không đặt tiền vàng âm phủ nơi thờ Phật, đi lại theo hướng dẫn, không chen lấn xô đẩy, gây tiếng ồn, để rác đúng nơi quy định, không leo trèo viết vẽ lên thân cây, tường, không rắc gạo, muối tùy tiện ra lối đi…
Đối với Ban quản lý các di tích
Cần thành lập duy trì tổ vệ sinh, bảo vệ môi trường, tăng tần suất hoạt động trong những ngày diễn ra lễ hội hay sự kiện thu hút đông khách tham quan, thu gom vệ sinh theo giờ để tạo điều kiện cho khách tham quan; nhắc nhở xử lý các trường hợp vi phạm như: săn bắt sinh vật bằng các dụng cụ vật chất hủy diệt, chặt hạ cây xanh, tổ chức hàng ăn uống chế biến từ thực phẩm tươi sống tại di tích, treo biển hay dùng âm thanh quảng cáo sản phẩm hàng hóa… Ban quản lý cũng nên hạn chế việc tiếp nhận sự công đức bằng các hiện vật lớn không phù hợp gây tốn kém, trùng lặp.
Với các di tích gắn liền với dân sinh của cộng đồng như: làng cổ, phố cổ cần lưu ý tới việc đi lại của khách, khuyến khích người đi bộ, hạn chế dùng phương tiện chạy xăng dầu gây tiếng ồn ào đi vào di tích, khuyến khích việc thuê mượn xe đạp hay dùng xe điện vận chuyển khách (loại xe này cũng cần được cải tiến lại sao cho phù hợp như sơn màu mát dịu, vật liệu giả làm tre gỗ, nứa cho thích hợp). Xây dựng các trạm xử lý nước thải, quy định đường đi cho các loại gia súc tham gia sản xuất nông nghiệp (ở làng cổ); xử lý ô nhiễm từ các hộ chăn nuôi gia súc – gia cầm không để các cống rãnh trong tình trạng không có nắp đậy.
Đối với các khu ăn uống, chế biến thực phẩm đang tồn tại gần điểm tham quan (ở làng cổ hay phố cổ) cần bổ sung hoàn thiện dần tác phong phục vụ chuyên nghiệp (trang phục, bảo hộ lao động), vật dụng trên bàn ăn đầy đủ ( tránh tình trạng khách ăn uống để thức ăn thừa trên mặt bàn hay vứt xuống sàn nhà: Giấy lau, vỏ hộp, đồ mang theo). Khu chế biến cần được cách ly để giảm tiếng ồn, mùi khói bụi, thức ăn hoặc khu sơ chế thực phẩm, kể cả khu rửa dụng cụ…
Các hộ kinh doanh sản xuất các mặt hàng hay gây tiếng ồn, ô nhiễm như: kim khí, sửa chữa xe máy, đồ cũ hay các lò mổ gia súc gia cầm cần được di dời cách xa khu tham quan. Đầu tư các loại thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, sức gió để phục vụ cho dịch vụ du lịch, bố trí các kênh bán hàng hợp lý (với những di tích nằm gần chợ) như khu bán hàng hành lễ, lưu niệm, đồ khô, các quầy thực phẩm dễ gây ô nhiễm.
Các di sản văn hóa là thứ tài sản vô giá của dân tộc – góp phần không nhỏ cho sự phát triển tăng trưởng của kinh tế, xã hội đất nước. Bảo vệ và gìn giữ môi trường trong lành cho các di tích- danh lam thắng cảnh luôn là trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi người, mọi nhà và mỗi du khách gần xa.
Nguyễn Trọng An
Gửi bình luận