Bảo tồn và phát huy di tích làng cổ Đường Lâm Kỳ 2: Phát huy các giá trị của di tích
Hiện nay, kinh tế chính của người dân nơi đây là sản xuất nông nghiệp và một bộ phận ở thôn Đông Sàng là nghề dịch vụ, thương mại, nghề truyền thống. Đa phần người dân làng cổ có mức thu nhập thấp so với mặt bằng đời sống của nhân dân các khu vực nội thị, Thủ đô, song, những năm gần đây, nhờ có các hình thức giới thiệu, quảng bá nên Di sản văn hóa làng cổ Đường Lâm là điểm tham quan thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Một số hộ đã mạnh dạn bỏ vốn để đầu tư, nâng cấp cơ sở trong gia đình như nhà vệ sinh, nhà ăn, nhà bếp, tạo ra các sản phẩm du lịch, thường xuyên hợp tác với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương để tranh thủ sự giúp đỡ tư vấn.
Một số sản phẩm đã được các chuyên gia Nhật Bản và Viện Nghiên cứu các sản phẩm làng nghề (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) giúp đỡ thiết kế bao bì, mẫu mã, đăng ký kinh doanh cũng như nhận được một số thiết bị của dự án như bàn, ghế, tủ trưng bày sản phẩm.
Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cũng sát sao và đề ra một số biện pháp nhằm phát triển du lịch làng cổ đúng hướng như: tổ chức các lớp tập huấn, mời một số hộ dân tham quan mô hình làng nghề ở các khu di sản, du lịch sinh thái,…
Tuy nhiên, mục tiêu huy động cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch, phát triển các sản phẩm để lưu chân du khách thì chưa triển khai được rộng rãi, mặc dù lượng khách đến đông nhưng số chi phí mà họ chi ra là rất ít nên phần lớn người dân chưa được hưởng lợi từ các giá trị vốn có của di sản.
Theo chúng tôi, việc huy động nhân dân tham gia vào việc phát triển du lịch cần thực hiện trong thời gian tới là: Trước hết, tích cực quảng bá thương hiệu du lịch làng cổ; hướng dẫn người dân tạo ra nhiều các sản phẩm: ẩm thực, đồ lưu niệm, sản phẩm cố định như điểm chụp ảnh, trải nghiệm văn hóa, nông nghiệp, trò chơi dân gian, xây dựng điểm bán hàng ổn định phù hợp, tổ chức các sự kiện chợ quê. Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân và các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương mạnh dạn bỏ vốn đầu tư làm du lịch, tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền giới thiệu như: phương pháp đón tiếp khách, cách thuyết minh giới thiệu, vệ sinh an toàn thực phẩm, đi tham quan mô hình ở nhiều khía cạnh, lĩnh vực: du lịch di sản, tâm linh, học đường, homestay, MICE… Cần có sự liên kết hợp tác chia sẻ cộng đồng trên cơ sở thành lập ra các hội như: Hội các nhà làm du lịch, Câu lạc bộ, Hội làm nghề truyền thống…
Đồng thời, tranh thủ sự giúp đỡ hợp tác của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước, các đơn vị du lịch lữ hành, các hiệp hội. Khôi phục các nghề truyền thống như: dệt, đan lát, làm cơm chay, làm thuốc Bắc, bảo tồn phát huy các nghề đã có. Chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái.
Và điều không thể không nói tới chính là đào tạo, củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ nhân viên làm dịch vụ du lịch của cơ quan chủ quản như: hướng dẫn, thuyết minh, xây dựng tour tuyến, nâng cao trình độ ngoại ngữ chuyên môn, khả năng, kỹ năng giao tiếp ứng xử, sử dụng tốt các trang bị kỹ thuật.
Nguyễn Trọng An
Gửi bình luận