Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam có thêm 2 bảo vật quốc gia
Đến dự có Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Bộ VHTTDL Nguyễn Hữu Toàn; cùng nhiều tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam và nhân chứng lịch sử.
MIG-21 số hiệu 4324 được biên chế bào Trung đoàn 921, Sư đoàn 371 không quân từ tháng 1/1967. Chỉ trong năm 1967, MIG-21 4324 đã tham gia chiến đấu và bắn rơi 14 máy bay địch các loại; ngày 7/12/1974, MIG-21 4324 được đưa về Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng LSQS Việt Nam) làm hiện vật. Bản đồ quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh là tấm bản đồ được làm tại Chỉ sở ngày 22/4/1975; trên bản đồ có chữ ký của Bí thư Trung ương Cục miền Nam Phạm Hùng với tư cách là Chính ủy và chữ ký của Đại tướng Văn Tiến Dũng với tư cách là Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh. Tấm bản đồ được Đại tướng Văn Tiến Dũng lưu giữ từ năm 1975 đến năm 1990, sau đó tặng lại cho Bảo tàng Quân đội.
Thượng tướng Phạm Thanh Ngân – Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - từng lái MIG-21 4324 bắn rơi 2 máy bay địch năm 1967 chia sẻ: “Tôi bay nhiều trên MIG-21 4324, nhưng nhưng để lại ấn tượng sâu nhất là 2 lần bắn rơi máy bay địch, là ngày 4/5 và ngày 18/11/1967. Hôm nay, sau gần 50 năm, những kỷ vật gắn liền một thời chiến đấu của mình được công nhận bảo vật quốc gia, tôi rất xúc động và tự hào”.
Phát biểu tại lễ công bố, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Trọng Nghĩa đã đánh giá cao những nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ Bảo tàng LSQS Việt Nam và mong muốn bảo tàng thực hiện tốt việc bảo quản, quản lý các bảo vật quốc gia theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa; đồng thời tiếp tục có chế độ giữ gìn, bảo quản lâu dài, có giải pháp trung bày phù hợp để giới thiệu đến đông đảo quần chúng nhân dân và bạn bè quốc tế.
Cùng được công nhận là bảo vật quốc gia đợt 3 theo quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 14/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ, còn có các bảo vật, nhóm bảo vật: Trống đồng Hữu Chung (Bảo tàng Hải Dương); Chuông Thanh Mai (Bảo tàng Hà Nội); 82 bia Tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội); Bia “Khôn Nguyên Chí Đức Chi Bi” (Thanh Hóa); Bia Thủy Môn Đình (Bảo tàng Lạng Sơn); Tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay chùa Đào Xuyên (Gia Lâm – Hà Nội); Bộ tượng Di Đà Tam Tôn chùa Thầy (Quốc Oai – Hà Nội); Tượng Phật giáo thời Tây Sơn chùa Tây Phương (Thạch Thất – Hà Nội); Ekamukhalinga/Linga có một đầu thần Siva (Quảng Nam); Lan can thành bậc (Bảo tàng Nam Định). |
Phước Hà
Gửi bình luận