Bảo hiểm du lịch: Thị trường còn rộng mở
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) dự báo du lịch thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng, đến năm 2030, Đông Nam Á sẽ trở thành khu vực thu hút khách quốc tế lớn thứ 4 trên thế giới. Dự thảo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng dự báo du lịch Việt Nam sẽ giữ mức tăng trưởng 9-11%/năm trong giai đoạn tới. Xu hướng tăng trưởng mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp bảo hiểm du lịch. Phóng viên Báo Du lịch đã trao đổi với Phó Giám đốc Ban Bảo hiểm Y tế - Bảo hiểm Bảo Việt Trần Thị Vân Anh (ảnh) để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này.
PV: Bà đánh giá như thế nào về vai trò của bảo hiểm du lịch hiện nay và tiềm năng phát triển trong thời gian tới?
Bà Trần Thị Vân Anh: Hiện nay lượng khách quốc tế đến Việt Nam và khách Việt Nam ra nước ngoài đang tăng trưởng mạnh
![]() Bà Trần Thị Vân Anh Phó Giám đốc Ban Bảo hiểm Y tế Bảo Việt |
hàng năm. Sau khi có đánh giá của các doanh nghiệp bảo hiểm, dựa trên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, chúng tôi đã nghiên cứu, trao đổi thông tin và đưa ra một con số ước đoán chỉ có khoảng 30% khách du lịch quốc tế vào Việt Nam hoặc khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài mua bảo hiểm du lịch. Sở dĩ có tình trạng như vậy là do người Việt Nam chưa quan tâm đến bảo hiểm khi đi du lịch.
Trước đây tôi cũng từng nghĩ đi du lịch vài ngày cũng không nhất thiết phải mua bảo hiểm, nhưng khi có rủi ro xảy ra thì mới thấy được sự cần thiết. Ví dụ như vụ đánh bom khủng bố ở Ai Cập tháng 12/2018 vào đoàn du khách Việt Nam. Rủi ro lớn nhất đã xảy ra là có ba người tử vong, những người khác thì bị thương. Đoàn du khách đó là do Bảo Việt cung cấp bảo hiểm. Bảo Việt đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập và Saigontourist hỗ trợ đưa người được bảo hiểm về Việt Nam để tiếp tục điều trị và chi trả quyền lợi cho ba nạn nhân với chi phí 2,4 tỷ đồng/trường hợp. Ngoài ra, Bảo Việt đã chi trả chi phí hồi hương và chi phí ở quốc tế khoảng 1 tỷ đồng. Những con số này rất cao, nên khi thật sự có rủi ro sảy ra, mới thấy sự cần thiết của bảo hiểm du lịch.
Hiện nay, tiềm năng của bảo hiểm du lịch còn rất lớn bởi mới có 30% khách du lịch tham gia bảo hiểm. Năm 2019, Bảo Việt bắt đầu tập trung phát triển nghiệp vụ bảo hiểm du lịch và hy vọng sẽ đẩy mạnh phát triển mảng này trong thời gian tới.
PV: Như bà đã chia sẻ về nhóm khách du lịch trong vụ khủng bố ở Ai Cập năm vừa rồi, bà có thể cho biết cụ thể hơn, họ mua gói sản phẩm nào?
Bà Trần Thị Vân Anh: Nhóm du khách đi tour của Saigontourist, bảo hiểm nằm trong gói bảo hiểm du lịch của Saigontourist mua. Tôi không nhớ mức phí cụ thể, nhưng trách nhiệm chi trả quyền lợi của khách hàng được hưởng khi gặp rủi ro đối với trường hợp tử vong lên đến 2,4 tỷ đồng; chi trả y tế lên đến vài trăm triệu cho một trường hợp. Giả sử chuyến đi suôn sẻ, du khách có thể nghĩ rằng, bảo hiểm là cần thiết, nhưng không phải lúc nào cũng cần đến. Tuy nhiên trong trường hợp này là quá cần thiết, vì rủi ro đã xảy ra và việc mua bảo hiểm là cần thiết và có tác dụng.
PV: Hiện nay ở nước ta, việc sử dụng sản phẩm bảo hiểm chỉ được người dân tiếp nhận ở một mức độ nào đó, trong đó có bảo hiểm du lịch. Nguyên nhân là do đâu theo bà?
Bà Trần Thị Vân Anh: Như tôi đã chia sẻ, một phần là do nhận thức chưa quan tâm đến bảo hiểm khi đi du lịch hoặc có thể là do tâm lý hay họ đã có sử dụng một dịch vụ bảo hiểm sức khỏe khác. Một nguyên nhân khác thuộc về các doanh nghiệp lữ hành, có thể do các doanh nghiệp quên, hay quan điểm của họ cho rằng việc mua bảo hiểm du lịch cho khách là không cần thiết; hoặc cũng có thể do doanh nghiệp mua với chi phí thấp, chỉ để đối phó yêu cầu của các đại sứ quán khi xin thị thực.
Tôi cho rằng hiện nay có nhiều yếu tố khách quan khiến cho bảo hiểm du lịch chưa được quan tâm. Doanh nghiệp bảo hiểm muốn hợp tác với doanh nghiệp lữ hành nhằm đẩy mạnh giới thiệu bảo hiểm du lịch đến với du khách, để họ có nhìn nhận khác hơn về bảo hiểm du lịch.
Ảnh minh họa
PV: Bà có thể cho biết hiện nay Bảo Việt đang có những sản phẩm gì cho bảo hiểm du lịch và khách hàng của Bảo Việt là những doanh nghiệp nào?
Bà Trần Thị Vân Anh: Hiện nay Bảo Việt đang cung cấp sản phẩm bảo hiểm khách du lịch trong nước, bảo hiểm y tế cho người nước ngoài vào Việt Nam, bảo hiểm du lịch quốc tế, bảo hiểm du lịch tại điểm… Bảo Việt mong muốn khai thác mạnh sản phẩm bảo hiểm du lịch quốc tế, vì hiện nay có rất nhiều người Việt Nam muốn đi du lịch nước ngoài. Khách hàng lớn của Bảo Việt hiện nay chỉ có Saigontourist, Vietravel và một số doanh nghiệp nhỏ khác.
Bảo Việt đang ứng dụng công nghệ triển khai chương trình tư vấn, bán và chi trả bồi thường bảo hiểm qua phần mềm, hợp tác với các công ty lữ hành, dự kiến đưa vào hoạt động vào tháng 10 tới đây. Hy vọng đến lúc đó, thông qua kênh bán hàng mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thúc đẩy phát triển nghiệp vụ bảo hiểm du lịch.
PV: Bà có lời khuyên nào cho du khách về bảo hiểm du lịch?
Bà Trần Thị Vân Anh: Hiện nay các tour nội địa ngắn ngày, người Việt Nam thường không có nhu cầu mua bảo hiểm, chủ yếu do các công ty lữ hành mua trong chương trình tour do đây là yêu cầu bắt buộc của pháp luật. Người đi du lịch nước ngoài thường có nhu cầu cao hơn vì họ có điều kiện kinh tế và có nhu cầu về một chương trình bảo hiểm du lịch.
Mọi người dân không nên nghĩ rằng bảo hiểm về y tế, sức khỏe đã bao gồm đủ cả khi có nhu cầu đi du lịch. Bảo hiểm về y tế, sức khỏe chỉ đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe và bồi thường khi gặp sự cố. Với bảo hiểm du lịch, du khách sẽ có thể được cung cấp các dịch vụ về chăm sóc y tế, mất hành lý, hủy tour và nhiều quyền lợi khác…
PV: Xin cảm ơn bà!
Thanh Hoàng thực hiện
Gửi bình luận