Bánh chưng Tết là một nét ẩm thực đặc trưng có nhiều ý nghĩa văn hóa, giá trị lịch sử, và đặc biệt có ấn tượng thiêng liêng đối với mọi người dân Việt Nam mỗi khi Tết đến, Xuân về. Nếu khai thác phát huy tốt, bánh chưng Tết sẽ là một sứ giả du lịch hoặc sứ giả đối ngoại có khả năng tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam và làm cho những ngày Tết Việt Nam trở nên lung linh, huyền diệu.

Trước đây, bánh chưng Tết hoàn toàn được gói, luộc thủ công tại mỗi gia đình hoặc bằng sự tham gia đóng góp của một nhóm gia đình. Trong một thời gian dài do điều kiện kinh tế khó khăn, bánh chưng Tết được các gia đình Việt Nam và cả các vị khách quý nước ngoài đón nhận một cách cởi mở và dễ tính bất chấp hình thức, chất lượng của nó còn có nhiều mặt hạn chế.
Ngày nay, khi mà bánh chưng Tết phần nhiều được sản xuất theo mô hình “công nghiệp hóa”, khi mà đạo đức của không ít nhà sản xuất đã “chuyển hướng”, khi mà các gia đình Việt Nam đang phải sống chung với đủ loại nguyên vật liệu “tăng trưởng nhanh”, khi mà nhu cầu của người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi… bánh chưng Tết dường như đã bộc lộ một số điểm hạn chế, làm giảm đi sức hấp dẫn và ý nghĩa thiêng liêng ngày nào.
Là người có nhiều năm tự gói bánh chưng, tự nấu bánh chưng, tôi có một số ý kiến đóng góp về để gói và nấu bánh ngon như sau:
1. Rửa lá thật sạch bằng nước sạch và lau khô bằng khăn sạch: Đơn giản là đảm bảo vệ sinh, chống nấm mốc, tránh những vết loang lổ trên mặt bánh…
2. Vo đãi gạo, đỗ thật sạch: Đãi sạch sỏi sạn, nhặt hết những hạt gạo khác màu, lọc hết những vỏ đỗ còn lẫn. Như vậy, đảm bảo hình thức bánh sẽ rất đẹp. Nếu ngược lại, bánh sẽ nhom nhem và sẽ rất buồn nếu như ngày Tết nhai phải sạn và thật xấu hổ khi khách quý phải nhăn mặt và kín đáo nhè miếng bánh ra vì... sạn.
3. Dùng muối sạch trộn đều với gạo: Thường thì thúng gạo to nặng và ướt nên khó trộn đảo, vì vậy mới đảo trộn được chừng 5 phút người ta đã cảm thấy tốt rồi, nhưng thực ra chưa thể đều vì gạo ướt, muối bết. Vì vậy phải kiên trì và biết cách thì mới có thể trộn đều được, sau đó nếm thử phải cảm thấy hơi mặn để khi nấu muối hòa tan ra cả số nước trong nồi, bánh chín sẽ nhạt đi là vừa. Khi muối gạo đều rồi thì ăn miếng bánh nào cũng cảm thấy vừa miệng, không bị miếng mặn miếng nhạt.
4. Thái thịt vừa phải: Ngày xưa các cụ thường thái những miếng thịt vừa to vừa dày, ngày nay điều đó không còn hấp dẫn. Chỉ nên thái thịt dày độ nửa cm trở lại, vì sao? Vì, miếng thịt mỏng sẽ dễ dàn đều khi gói và xoay đảo nhiều chiều để phân bổ đồng đều nạc mỡ, tạo điều kiện cho chất béo ngấm ra toàn bộ chiếc bánh mà không bị một cục cộm lên giữa bánh.
5. Xay nhỏ, trộn đều hạt tiêu: Bánh ngon thơm hay không phụ thuộc một phần vào lượng hạt tiêu. Tuy nhiên, nhiều người cho nhiều hạt tiêu nhưng bánh vẫn không ngon vì hạt tiêu xay to, trộn không đều. Cần biết rằng, khi rắc hạt tiêu vào thịt ướt, hạt tiêu bị bết lại, vón cục, vừa mất nhiều hạt tiêu vừa không phát huy được tác dụng, trẻ em và người bị bệnh bao tử ăn phải là… gay to. Vì vậy, hạt tiêu cần xay thật nhỏ, trộn thật kỹ, khi cắt bánh ra không nhìn thấy hạt tiêu ở đâu nhưng khi ăn lại thơm nức mùi hạt tiêu mới đạt yêu cầu.
6. Gói bánh mỏng: Nhiều nơi dùng khuôn hơi cao nên khi cắt bánh ra, phần gạo, phần nhân đều hơi dày, nhìn kém hấp dẫn. Người gói tay chỉ cần khéo léo đôi chút, trước hết là dàn rộng lượt gạo, sau đó dàn đều nhân đỗ phủ kín gạo, tiếp đó dàn đều nhân thịt khắp mặt nhân đỗ, tiếp theo lại phủ đỗ và gạo lên trên nhưng phải chú ý lượng đỗ và gạo dàn phía dưới và phủ lên trên phải bằng nhau. Khi thu lá gói lại đừng kéo cao lên trên mà ghìm thấp xuống để giữ cho bánh dàn ra. Có như vậy, bánh không bị dày, nấu nhanh chín đều và đặc biệt khi cắt bánh ra các phần gạo ngoài và nhân đỗ trong sẽ mỏng đều tăm tắp, thịt thái mỏng nên chất béo bổ gần như tan biến khắp bánh, ăn miếng nào ngon miếng ấy.
7. Luộc bánh thế nào? Trên mạng internet người ta nói quá nhiều về kỹ thuật luộc bánh, nhưng có mấy điều cần chú ý như sau: Nấu bánh chưng Tết vào mùa Đông thường bị lạnh, gió lùa, những chiếc bánh xếp phía ngoài thường không rền, dễ bị lại gạo, có trường hợp nửa sống nửa chín. Vì vậy, không được bổ sung nước lạnh, phải đảm bảo lửa đều các hướng, nếu làm tốt có khi chỉ luộc 8 tiếng bánh còn rền hơn người vụng luộc 12 giờ.
8. Khi bánh chín cần làm gì? Tắt lửa nhưng cứ để bánh trong nồi thêm vài chục phút để tận dụng nhiệt nóng vẫn còn và đảm bảo an toàn cho công đoạn lấy bánh ra. Rửa sạch bên ngoài khi bánh còn nóng để hết mỡ và các chất bám ngoài bánh chống nấm mốc. Xếp, ép, chỉnh, nắn cho bánh vuông, đều. Khi bánh đã ổn định hình dáng, lau lại một lần nữa bằng nước nóng cho sạch hẳn, để nguội và khô ráo trước khi cất trữ.
9. Làm thế nào để bánh chưng xanh? Kinh nghiệm cho thấy, nếu luộc bánh chưng bằng nồi nhôm thì lá bánh chưng bị biến màu, nếu luộc bánh chưng bằng nồi tôn (sắt) thì lá bánh chưng vẫn giữ được màu xanh tự nhiên. Nếu muốn bánh chưng xanh cả trong lẫn ngoài thì có thể ngâm gạo với nước lọc từ lá riềng giã nát (một số vùng dùng lá dứa).
Chú ý làm tốt những việc nói trên, chắc chắn ai cũng khoái ăn bánh chưng Tết. Khách du lịch, khách quốc tế, khách đối ngoại sẽ chẳng có lý do gì để… không nhớ bánh chưng Tết Việt Nam.
Gửi bình luận