Bản in nhãn hiệu bánh gai duy nhất còn lại cho đến ngày nay
Đã có nhiều bài viết thông tin về thành phần, dinh dưỡng, cách làm bánh, giới thiệu một số cửa hiệu tiêu biểu của nghề làm bánh gai. Thế nhưng lịch sử hình thành nhãn hiệu bánh gai Ninh Giang chưa được tìm hiểu sâu. Qua thông tin, chúng tôi được biết gia đình được cho là làm bánh gai đầu tiên ở thị trấn Ninh Giang còn lưu giữ được bản in nhãn hiệu bánh gai bằng chất liệu kim loại. Ông Trần Đức Thế, chủ cửa hiệu Minh Tân ở số nhà 69, đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Ninh Giang, Hải Dương đang sở hữu bản in này.
Di vật độc đáo về nhãn hiệu hàng hóa
Tìm về gia đình ông Thế, chúng tôi được tiếp cận bản in nhãn hiệu Bánh gai Minh Tân. Bản in được làm bằng kim loại, có kích cỡ mặt khắc chữ, hoa văn: 8,5cm x 6cm x 0,7cm. Trên mặt bản in có ba dòng chữ ngược khắc nổi. Chữ Minh Tân dùng chữ in to nhất, đặt trong khung hình cuốn thư. Bên dưới bản hiệu Minh Tân là hình mặt trời cách điệu cùng 17 đường kẻ thẳng kiểu nan quạt giấy. Đường kẻ này tượng trưng cho tia ánh sáng cùng các chữ: Bán buôn, bán lẻ ở hai bên đường kẻ. Dưới hình mặt trời là hai dòng chữ: Bánh gai ngon có tiếng - Ninh Giang, phố Phủ Bà. Mặt trên tạo núm cầm hiện không còn do bị gãy trong quá trình dùng nhiều lần để in nhãn. Theo ông Trần Đức Thế, trước kia khi làm nhãn hiệu cho gói bánh, bản khắc được bôi mực rồi in vào giấy. Để khô mực thì đặt lên gói bánh, lấy dây cói làm chiếu buộc lại.Nguồn gốc tên bản hiệu Minh Tân lấy tên người em cụ nội ông tên là Tân, một nhà Nho, đồng thời là lương y có tiếng. Chữ Minh đặt ở trước ngụ ý làm rạng danh di sản của người thân, của dòng họ Trần. Phố Phủ Bà là tên cũ của phố Trần Hưng Đạo ở thị trấn Ninh Giang hiện thời. Ghi tên thị xã Ninh Giang, là để bảo tồn địa danh từ thời đặt tên cửa hiệu.Điều này chứng minh, nhãn hiệu bánh gai Minh Tân đã có tuổi đời trên 60 năm.
Thương hiệu bánh gai Minh Tân
Ẩn chứa trong bản khắc in nhãn hiệu là cả một di sản về hiệu bánh Minh Tân, về bánh gai Ninh Giang.Ông Thế cho biết, bản hiệu năm 1950 là năm gia đình ông mở cửa hiệu.Còn nghề làm bánh gai thì từ cụ tổ 5 đời trước.Quê gốc của gia đình ở huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định). Do hoàn cảnh lịch sử, cụ sang huyện Vĩnh Bảo sinh cơ lập nghiệp. Ở Vĩnh Bảo đã làm bánh gai nhưng chỉ bán ở chợ quê, ở những hội làng quanh vùng.Sau chuyển về thị trấn Ninh Giang mới mở cửa hiệu. Công việc do ông bà rồi sau này chủ yếu do mẹ ông làm là chính.
Ông Trần Hữu Thanh (75 tuổi) là anh ruột ông Thế kể về quá trình làm bánh gai của gia đình những năm đầu gồm: thu mua nguyên liệu, chế biến nguyên liệu từ thô sang tinh, gói và hấp bánh, phân phối sản phẩm. Trước ngâm gạo, để ráo nước rồi dùng chày giã bột.Làm quả bánh thường giã cỡ 1.500 chày mới đủ độ nhuyễn của quả bột bánh. Nay cơ bản vẫn duy trì nhưng có một số thay đổi như, nguyên liệu làm bánh ngày trước là mật mía và gạo nếp cái hoa vàng nay chuyển sang dùng đường kết tinh, gạo nếp Thái Bình. Ông Thế bảo, dùng mật mía, bánh có mùi thơm ngon hơn bánh dùng đường đen, đường trắng và để được lâu hơn. Ngày ấy, gia đình thuê người làm công đoạn phụ, ăn nghỉ cùng gia chủ, còn việc pha chế công thức với 12 vị (chất liệu) thì tự làm. Người làm những công đoạn phụ thành thục đến mức ngửi mùi bánh đang hấp biết mẻ bánh được hay chưa.Thậm chí nếu tinh ý vẫn có thể nắm được bí quyết làm bánh. Tuy vậy, bánh thơm ngon, mang đặc trưng của cửa hiệu còn cần sự tinh tế trong lựa chọn, chế biến nguyên liệu, cách hấp bánh và cả cái duyên bán hàng nữa. Chẳng thế mà hai người phụ nữ hiện có thâm niên hơn 10 năm làm bánh gai cho cửa hiệu Minh Tân chia sẻ, với hiểu biết nghề làm bánh gai, chúng tôi có thể mở cửa hiệu riêng nhưng không thể có được thương hiệu Minh Tân đã đi vào lòng người.n
Văn Lộc
Gửi bình luận