Bàn các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội hậu dịch COVID-19
Ngày 2/7 đã diễn ra hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, 6 tháng đầu năm 2020, các Bộ, ngành, cơ quan đã phối hợp chặt chẽ, điều hành nhịp nhàng, chấp hành nghiêm những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân giảm dần từ mức cao là 6,54% về mức 4,19% và dẫn tới mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong cả năm 2020 là khả thi. Bên cạnh các điểm sáng tích cực, nền kinh tế cũng bộc lộ những điểm yếu, như: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính chung 6 tháng giảm 0,8% so với cùng kỳ 2019, khách quốc tế đến Việt Nam giảm sâu; tính chung 6 tháng, cả nước có 62 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 7,3% về số doanh nghiệp, 19% về vốn đăng ký so với cùng kỳ… Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương đưa ra các giải pháp ngắn gọn, dễ hiểu, dễ vận dụng để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, “không chỉ phòng thủ dịch bệnh, mà phải tiến công để phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2020 tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết những kết quả cơ bản, quan trọng trong thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Để khắc phục tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến cân đối ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị các Bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện tốt 5 giải pháp. Trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp về tài khóa, tiền tệ đã ban hành; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, thu hút và chủ động tiếp nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài, phục hồi tăng trưởng kinh tế. “Trong trường hợp sau khi đã sử dụng tất cả các giải pháp và nguồn lực trên mà cân đối ngân sách Nhà nước còn khó khăn, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách nhà nước tại kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, nhằm hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các Bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt. Đến nay, cơ bản các đối tượng thuộc diện được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đã nhận tiền hỗ trợ, nhất là nhóm đối tượng nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người thất nghiệp… Gói an sinh xã hội của Chính phủ đã và đang thực sự phát huy tác dụng, đưa tiền hỗ trợ tới đúng đối tượng thụ hưởng… Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng chia sẻ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Ngân hàng đã và đang triển khai quyết liệt, mạnh mẽ và có hiệu quả các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng. Điển hình là đã thực hiện 2 đợt điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5%/năm, giảm thêm 1% trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 5%/năm); cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 223.000 khách hàng với dư nợ hơn 151.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 326.000 khách hàng với dư nợ trên 1,14 triệu tỷ đồng. Thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục nỗ lực để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt hơn nữa để đạt mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô. Đại diện Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đã triển khai các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác có nhu cầu nhập khẩu, nhằm khơi thông thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường như Trung Quốc và Ấn Độ… cho nông sản nói riêng và hàng hóa nói chung…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng chủ trì Hội nghị
Tại Hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Lào Cai, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bình Thuận, Quảng Bình, Khánh Hòa, Vĩnh Long, Bình Dương… đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong phòng chống đại dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo các đối tượng chính sách xã hội, từng bước tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế. Lãnh đạo các địa phương đánh giá cao những giải pháp từng bước phục hồi ngành Du lịch, triển khai đồng loạt nhiều giải pháp kích cầu du lịch nội địa, liên kết vùng, chuẩn bị các điều kiện cần thiết thu hút khách quốc tế khi được phép… Các ý kiến đều nhất trí về việc thực hiện “mục tiêu kép”: vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa tập trung phát triển kinh tế-xã hội. Các ý kiến nhất trí đề xuất giải pháp cải cách thể chế, hỗ trợ doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, hỗ trợ lãi suất, mở rộng thị trường giải pháp xâm ngập mặn ở ĐBSCL, đề xuất tháo gỡ với những dự án tồn đọng…
Sau khi nghe ý kiến của các Phó Thủ tướng cũng như lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các Bộ, ngành, địa phương chung sức trong phòng chống đại dịch, nỗ lực đề ra nhiều giải pháp quyết liệt, tăng tốc phát triển kinh tế. Nhắc lại "mục tiêu kép", không để dịch bệnh trở lại, xóa đi thành quả mà chúng ta đã phấn đấu, không vì kinh tế mà dễ dãi để dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, tinh thần đoàn kết, hợp tác, quyết tâm vượt lên khó khăn, sáng tạo, sát sao trong chỉ đạo điều hành cần phải tiếp tục được các Bộ, ngành, địa phương phát huy hơn nữa trong thời gian tới. Thủ tướng nêu rõ, không để dịch bệnh COVID-19 quay lại nước ta nhưng đồng thời phải tiến công mạnh mẽ để phát triển kinh tế, phục hồi tăng trưởng.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương tiếp tục xác định công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ ưu tiên để tận dụng cơ hội phục hồi phát triển trong điều kiện hiện nay. “Cứ quyền anh, quyền tôi, cứ gây khó khăn, khó dễ cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân thì không bao giờ thành công. Bên cạnh đó, không giảm các chỉ tiêu xuất nhập khẩu, khơi thông các điểm nghẽn, phát triển các mô hình kinh tế mới, tranh thủ cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các hiệp định thương mại tự do và đón đầu xu hướng dịch chuyển đầu tư FDI”, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ.
Toàn cảnh Hội nghị
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế quý III và IV/2020, phấn đấu tăng trưởng từ 3 đến 4%; phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và từng vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp đáp ứng các yêu cầu phát triển mới. Đồng thời, tập trung nghiên cứu ngay những đề xuất của địa phương về thể chế, nhất là tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng. Có gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD số vốn cần giải ngân trong năm nay. Nếu giải ngân tốt thì đây sẽ là biện pháp kích cầu ngắn hạn hiệu quả, tạo động lực cho tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Với ngành Nông nghiệp, phải bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống, không để phụ thuộc vào một thị trường. Ngành Du lịch chủ động cơ cấu lại thị trường khách du lịch, giảm giá dịch vụ nhưng không giảm chất lượng; thúc đẩy du lịch nội địa phù hợp với các biện pháp phòng, chống dịch; tiếp tục quảng bá Việt Nam điểm đến an toàn. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính điều hành chính sách tài khóa linh hoạt hơn, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát giá, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người dân, “bơm” thêm tiền cho an sinh xã hội, không để người dân sống trong cảnh khó khăn. Đồng thời, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; miễn giảm các loại phí, lệ phí liên quan đến nông nghiệp, giao thông để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. “Nếu không thay đổi về tư duy kinh tế, hành động và hành động hơn nữa thì không thể có đột phá, kích hoạt kinh tế phát triển. Chúng ta đã đi một chặng đường, mỗi người cần phải hành động mạnh mẽ đóng góp cho sự phát triển và thành công của đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh trong phát biểu kết luận Hội nghị.
Tuấn Sơn
Gửi bình luận