Ba “tuyệt tác” bí ẩn của danh họa Nguyễn Gia Trí ở Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, kỳ cuối
Kỳ cuối: Số phận của 3 “tuyệt tác” và cái may của hậu thế
HS. Nguyễn Gia Trí nói việc đem tranh đi trưng bày ở một nơi xây cất một cách vội vã và cẩu thả, nhằm che lấp những cái tồi tàn đó là một việc làm tắc trách. Mặc dù rất thông cảm với thiện chí của Quốc vụ khanh muốn cho thế giới biết về cái đẹp của tranh sơn mài, nhưng nhận thấy bổn phận của người nghệ sĩ trước hết là phải bảo quản một “tài sản quốc gia” và ngăn chặn sự lạm dụng vô ý thức và vô trách nhiệm nên không cho phép mình buông xuôi bất cứ việc gì dù rằng rất nhỏ.
Xin nhắc lại, 3 bức tranh sơn mài của HS. Nguyễn Gia Trí được thực hiện bằng khế ước vào ngày 10/11/1967, giữa Bộ Giáo dục với họa sĩ. Thời hạn sáng tác được ấn định 18 tháng, tuy nhiên do nhiều lý do khách quan nên thời hạn giao tranh kéo dài thêm 6 tháng. Cùng với uỷ ban tiếp nhận tranh khi đó, Quốc vụ khanh Mai Thọ Truyền đánh giá 3 bức tranh của HS. Nguyễn Gia Trí sáng tác là “một tuyệt tác hiếm có”. Tuy 3 bức tranh được dự định dùng trang trí cho thư viện, thế nhưng vào thời điểm ấy thư viện xây cất chưa xong, lại đúng dịp Hội chợ thương mại quốc tế Osaka sắp khai mạc (31/1/1970).
Quốc vụ khanh nảy ra ý định muốn đem tranh sang Osaka triển lãm. Tác giả lúc đó nghe qua chỉ cười, không tán thành mà cũng không phản đối, chỉ tỏ ra lo ngại cho sự hư hỏng trong lúc vận chuyển tranh. Quốc vụ khanh nói không thể vì lẽ ấy mà không được đem tranh sang Osaka triển lãm để phô trương với quốc tế cái đẹp, cái khéo của nghệ thuật sơn mài độc đáo Việt Nam. Chính vì vậy mà khi nghe ông Nguyễn Văn Đạt (khối văn hóa, Bộ Giáo dục) chính thức đề nghị Quốc vụ khanh đem tranh đi dự hội chợ tại Osaka thì Quốc vụ khanh đồng ý ngay. Quốc vụ khanh Mai Thọ Truyền liền đó viết thư tay gửi cho tác giả 3 bức tranh đề nghị, cứ để nguyên 3 bức tranh trên tường tại xưởng của họa sĩ cho GS. Nguyễn Văn Long đến xem lại. GS. Long là người được Thủ tướng chấp thuận cho sang Osaka lo việc trang trí gian hàng và trưng bày tranh tiện thể lắp ghép lại mà khỏi phải nhờ tác giả đi cùng.
Mấy ngày sau họa sĩ có văn thư phúc đáp với đề nghị “không đồng ý mang 3 bức tranh đi triển lãm ở Osaka” lên Phủ Thủ tướng. Họa sĩ cho rằng 3 bức tranh sáng tác cho thư viện thì đã rõ, ai cũng biết. Đây là công việc có ích, góp phần xây dựng đời sống văn hóa dân tộc và giúp thế hệ sau những kinh nghiệm, hiểu biết cần thiết để phát triển nghệ thuật độc đáo tranh sơn mài. Thế nên đã ra công tận tuỵ làm việc suốt 24 tháng trời. Mọi cố gắng để gom góp trong 14 thước vuông, rất nhiều công phu tỉ mỉ. Vậy mà Quốc vụ khanh có ý định đem tranh đi trưng bày ở một nơi “xây cất một cách vội vã và cẩu thả”, nhằm che lấp những cái tồi tàn đó là một việc làm tắc trách. Hoạ sĩ nói mình rất thông cảm với thiện chí của Quốc vụ khanh nhưng quả thật rất khó được ông Quốc vụ khanh chấp nhận khi nói không đồng ý đem tranh sáng tác đặc biệt cho thư viện dùng “vào một việc tạm bợ và phí phạm như vậy”. Nhưng nhận thấy bổn phận trước hết là phải bảo quản “một tài sản quốc gia” và ngăn chặn sự “lạm dụng vô ý thức và vô trách nhiệm” nên không cho phép người nghệ sĩ lơ là, buông xuôi bất cứ việc gì dù rằng rất nhỏ. Vì vậy họa sĩ quyết liệt phản đối việc Quốc vụ khanh quyết định đem 3 bức tranh ra nước ngoài trưng bày tại hội chợ, đồng thời hoạ sĩ cũng gửi thư phản đối Quốc vụ khanh lên Bộ Tư pháp.
Bản cải chính tờ khế ước do tính nhầm giá tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí
24/4/1970, Phủ Quốc vụ khanh gửi toàn bộ hồ sơ liên quan đến khế ước sáng tác 3 bức tranh cho Tòa án Thượng thẩm Sài Gòn, với đề nghị khởi tố hoạ sĩ vì không chịu bàn giao 3 bức tranh cho Chính phủ. Luật sư Nguyễn Văn Hoàng, người được giao xúc tiến giải quyết vụ việc đã gửi thông báo đến Phủ Quốc vụ khanh yêu cầu Phủ này nộp năm ngàn đồng bạc án phí để toà tiến hành thủ tục khởi tố.
Ngay sau khi nạp tiền án phí, Văn phòng Phủ Quốc vụ khanh yêu cầu LS. Hoàng gửi cho hoạ sĩ thông báo rằng thư viện đã được tiếp nhận đợt một, tầng trệt bắt đầu được sử dụng, mời họa sĩ đem tranh đến treo. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho HS. Nguyễn Gia Trí khi đó là Vũ Ngọc Truy liền gửi thư phúc đáp cho LS. Hoàng, đại ý: “Chừng nào trong phòng đặt tranh sơn phết, lau chùi xong, bàn ghế kê ngay ngắn mọi thứ lúc đó sẽ đem tranh đến treo lên, như vậy tránh được bụi bậm, an toàn cho tranh. Về phần tranh lúc nào cũng sẵn sàng”. Đồng thời LS. Truy yêu cầu cơ quan hữu trách thanh toán kỳ chót khế ước và tiền chỉ số tăng giá sinh hoạt cho thân chủ ông. Đồng thời, LS. Truy nhấn mạnh rằng, chỉ có thể mang tranh đi treo khi các khoản trên được thanh toán. Ngay sau đó LS. Hoàng thông báo cho LS. Truy biết, quỹ phiếu đã có sẵn, sẵn sàng giải tỏa hai quỹ phiếu trên ngay thời điểm họa sĩ bàn giao tranh.
Đúng ngày hẹn, 25/10/1971, Phủ Quốc vụ khanh ra quyết định trả hai quỹ phiếu còn lại cho người mang tên Nguyễn Gia Trí, tác giả của 3 họa phẩm đã bị quá hạn lãnh tiền, vì lẽ có sự tranh chấp gữa đôi bên, nay việc tranh chấp đã được hòa giải. Tại xưởng tranh của hoạ sĩ, hai quỹ phiếu được LS. Hoàng, đại điện cho Phủ Quốc vụ khanh trao cho LS. Truy, đại diện cho HS. Nguyễn Gia Trí tiếp nhận. Liền khi đó, 3 bức tranh được đưa lên xe công xa rời xưởng tới thư viện, trên tường có ba khung tranh đang chờ sẵn.
Thật may cho hậu thế là cả ba “tuyệt tác” vẫn còn nguyên vẹn và nằm yên nơi mà tác giả dành cho nó. Nhưng nào mấy ai biết “ba đứa con tinh thần” của mình ngay từ lúc sơ sinh, tác giả đã tranh đấu đến cùng để bảo vệ chúng theo đúng nghĩa bổn phận của một người cha. Song, người viết lấy làm tiếc vì nhiều lý do, trong đó có lý do thị trường tranh tại Việt Nam nhiều năm qua mất kiểm soát nên tranh của các danh họa bị nghi ngờ sao chép, làm giả rất nhiều. Thế nên, nơi lưu giữ ba “tuyệt tác” nói trên sợ về sau có thể bị làm giả nên người viết không được phép chuyển tải hình ảnh của 3 “tuyệt tác” đến với bạn đọc. Rất mong bạn đọc thông cảm.
Cao Phương
Gửi bình luận