Ba “tuyệt tác” bí ẩn của danh họa Nguyễn Gia Trí ở Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, kỳ 3
Kỳ 3: Cái hứng khởi của “kẻ hèn"
“Việc đem tranh đi trưng bày tại hội chợ quốc tế Osaka để cho thế giới hiểu biết thêm về văn hóa cố dĩ của Việt Nam là một điều hay vô cùng, nếu được trưng bày trong phạm vi nhỏ của hội họa thì sẽ chỉ có lợi. Nhưng nếu trưng bày trong không khí náo nhiệt ồn ào của một hội chợ thương mại, e rằng chẳng khác chi – không được là đem chuông đi đánh nước người nữa mà lại như – đem chiếc đàn cò đến công trường rộng lớn biểu diễn cùng với dàn nhạc đồng quân đội đang trình tấu những bản hùng ca”. Đó là đoạn kết trong bức thư đề ngày 19/1/1970, tác giả 3 bức tranh sáng tác cho Bộ Giáo dục gửi BS. Nguyễn Lưu Viên lúc ấy đương kim Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Giáo dục, phản đối Quốc vụ khanh Mai Thọ Truyền có ý định đem 3 bức tranh ra nước ngoài tham dự hội chợ thương mại quốc tế Osaka.
Phủ QVK gửi cho phủ Thủ tướng giải trình về dự định đem tranh ra nước ngoài triển lãm bị tác giả phản đối.
Theo khế ước, thời hạn 18 tháng sáng tác 3 bức tranh kết thúc vào ngày 31/5/1969, nhưng khi sáng tác xong do thiếu thợ mài bóng nên chưa thể bàn giao. Cuối 1969, Ủy ban tiếp nhận 3 bức tranh được thành lập do GS. Nguyễn Văn Quyện – Giám đốc Nha Mỹ thuật làm chủ tịch, cùng với 4 thành viên khác là các GS. Nguyễn Văn Huế, Đỗ Đình Hiệp, Nguyễn Văn Hộ và Phạm Minh Giao. Biên bản tiếp nhận thể hiện 3 bức tranh đã hoàn tất, ủy ban đề nghị tiếp nhận và thanh toán khế ước. Mọi chuyện tưởng chừng suôn sẻ, 9 giờ sáng ngày hôm sau tài xế công xa Peugeot 403 Cao Văn Trường được Phủ Quốc vụ khanh điều đến xưởng vẽ HS. Nguyễn Gia Trí đưa tranh về. Tuy nhiên, họa sĩ đề nghị làm chứng chỉ chính thức cho 3 bức tranh, đồng thời tờ biên bản tiếp nhận phải có chữ ký của Quốc vụ khanh Mai Thọ Truyền và làm trên giấy đẹp để giữ làm kỷ niệm. Thế nên 3 bức tranh vẫn chưa được bàn giao.
Mấy ngày sau HS. Nguyễn Gia Trí gửi thư cho Phủ Quốc vụ khanh và Phủ Thủ tướng phản đối việc đem tranh ra nước ngoài trưng bày tại hội chợ thương mại quốc tế Osaka. Trong thư nhắc lại cuộc trò chuyện giữa tác giả với giáo sư hội họa Nguyễn Văn Long (Phủ Quốc vụ khanh) trong ngày khánh thành ba bức tranh, rằng nguyện vọng của ông là phụng sự nghệ thuật sơn mài. Cho nên thường hồi tưởng đến mỗi kỳ hội chợ Hà Nội vào những 1935 – 1940, có lần ông được duyên may nhìn thấy một tác phẩm sơn mài của họa sĩ đàn anh Trần Quang Trân, thực hiện tại trường Mỹ thuật Hà Nội đem trưng bày. Nhờ được sự hứng khởi đó mà “kẻ hèn này”, đã chán bỏ trường mỹ thuật từ năm thứ 3, chẳng cần phải để ông hiệu trưởng, giáo sư hay bè bạn kêu gọi, tự quay về trường tiếp tục học và đã chọn “pháp môn” sơn mài để phụng sự. Thế nên khi nhận làm 3 bức tranh để trưng bày trong thư viện, họa sĩ có ước vọng thâu tóm 30 năm kinh nghiệm làm nghề gói gọn trong 14 thước vuông.
Tổng trưởng Tư pháp trả lời QVK về việc HS.Nguyễn Gia Trí phản đối đem tranh ra nước ngoài dự hội chợ
Quả thực như họa sĩ nói, nếu chỉ muốn làm ba bức tranh đẹp thôi thì không cần biểu diễu nhiều kỹ thuật công phu như vậy. Nhưng để bày trong một Thư viện Quốc gia thì rõ ràng ông đã cố gắng để mỗi người tùy theo trình độ thẩm mỹ của mình có thể thưởng thức cái đẹp của sơn ta. Một tỷ phú nếu có thời giờ bước chân vào thư viện sẽ thấy cái thích thú rực rỡ huy hoàng, vàng son của sơn mài, nhưng lại có thể chỉ thưởng thức được một phần trăm cái mà, trong không khí trầm lặng của thư viện thì e cũng quá đủ rồi. Hay như một người thợ sơn mài ở Bình Dương hoặc một hoạ sĩ trẻ đương thời nhìn ra được một chút “kỹ thuật” của bức tranh để phụng sự nghề nghiệp của mình thì càng có ích.
Sở dĩ nói như vậy để thấy rằng 3 bức tranh sơn mài có thể ví như mấy quyển sách để trong thư viện, cái đẹp thực của nó chưa hẳn là hoàn toàn, và chỉ nên để nó ở nơi nó có thể thành công trong tác dụng mà tác giả muốn giành cho nó. Thế nên việc đem tranh đi trưng bày trong không khí náo nhiệt ồn ào của một hội chợ, tác giả cho rằng chẳng khác chi – không được là đem chuông đi đánh nước người nữa mà lại như – đem chiếc đàn cò đến công trường biểu diễn cùng với những dàn nhạc đồng quân đội đang trình tấu những bản hùng ca thì thật hoài uổng. Hơn thế nữa, họa sĩ nói việc đem tranh đến một nơi xa xôi, không quen thuộc, không thể tránh được sự hư hỏng, mất mát. Vì, riêng việc treo tranh lên tường đã là cả một kỳ công, không thể để những người không chuyên môn, không quen việc sờ mó đến, mà không xảy ra sứt mẻ sây xát. Nay đem tranh đi ngoại quốc trưng bày, giao vào tay những người vô tình, không hiểu biết, vội vã hay tắc trách thì sự hư hỏng là gần như có thể.
Trong thư họa sĩ cũng nói tận đáy lòng mình không dám phê bình gì về cuộc trưng bày của Việt Nam tại Osaka mà hết lòng tôn kính và ủng hộ thiện chí, lòng nhiệt thành phục vụ văn hóa nước nhà. Nhưng thành thực trong lòng cũng đượm buồn khi thấy 99% ý chí sáng tác của mình bị gạt bỏ, chỉ được đem dùng cái phần thấp kém nhất mà bất cứ một bức tranh sơn dầu hay tranh vẽ trên giấy cũng có thể thay thế được. Vì qua GS. Long cho họa sĩ biết, người phụ trách trình bày gian hàng Việt Nam tại Osaka sẽ dùng bức tranh “Hoài niệm xứ Bắc” như một tấm “phong” để tạo một không khí “dân tộc tính”, rồi sẽ bày đủ thứ đồ kim, cổ, công nghệ, tiểu thủ công nghệ, nhạc khí… Như vậy nguy cơ làm hỏng bức tranh có thể xảy ra mà không thể sửa chữa được. Chính vì vậy họa sĩ hy vọng người đứng đầu Phủ Quốc vụ khanh nể tình bãi bỏ dự tính đem tranh đi Osaka. Sau cùng hoạ sĩ khẳng định mình không có lý do nào ngoài ý nguyện phục vụ quốc gia dân tộc và làm phận sự của bất cứ công dân nào là bảo quản tài sản quốc gia trong phạm vi trách nhiệm của mình.
(còn nữa)
Cao Phương
Gửi bình luận