Ba “tuyệt tác” bí ẩn của danh họa Nguyễn Gia Trí ở Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, kỳ 2
Kỳ 2: Cả giang sơn gấm vóc gói trọn trong 14 ô thước vuông
Trong một lần đến thư viện, người viết tình cờ trông thấy 3 bức tranh, và sau đó nhiều lần có dịp nhìn ngắm “tuyệt tác” này. Bởi, ngay sau khi sáng tác xong được giới hội họa đánh giá là “tuyệt tác” nhưng, càng về sau rất ít công chúng biết hoặc nhắc đến, trong đó có sự vô tình của giới yêu thích hội họa và sự lạnh nhạt của chủ sở hữu bức tranh.
Theo Hồ sơ di sản, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), kiệt tác “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí – người đứng đầu trong “tứ đại danh hoạ” của Việt Nam: Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn, được UBND TP.HCM mua từ tác giả vào năm 1991, với giá 100.000 USD để trao tặng cho Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM. Vào thời điểm đó nếu qui đổi ngoại tệ ra tiền đồng có giá khoảng 600 triệu, gây ra cuộc tranh luận sôi nổi, kéo dài, đa phần ý kiến cho rằng bức tranh quá đát. Năm 2013, Nhà nước công nhận bức tranh này là bảo vật quốc gia thì một cựu giám đốc của Bảo tàng lưu giữ bức tranh mới tiết lộ từng có một nhà sưu tập người Bỉ đề nghị mua lại với giá một triệu USD. Đây là tác phẩm có thời gian sáng tác kéo dài 20 năm. Khởi đầu vào giai đoạn đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh (1969) và hoàn thành tác phẩm vào thời kỳ đổi mới (1989). Nội dung kiệt tác “Vườn xuân Trung Nam Bắc” mô tả không khí ngày Xuân và hình ảnh các tố nữ ba miền Trung, Nam, Bắc trong trang phục truyền thống đi dự hội, chùa chiền, xung quanh cảnh vật cây cối xanh tươi. Có thể nói nội dung chính tác phẩm thể hiện rõ nét truyền thống, cùng lời nguyện cầu thống nhất non sông và hạnh phúc cho quê hương xứ sở…
Bức ảnh của cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí được chụp năm 1960 (ảnh tư liệu của họa sĩ Đinh Cường)
Sở dĩ đề cập đến kiệt tác “Vườn xuân Trung Nam Bắc” để thấy rằng tác phẩm này sáng tác ngay sau bức tranh “Vườn xuân” cho Bộ Giáo dục nên nội dung hai tác phẩm có khá nhiều nét tương đồng mà người viết xin được phép không lạm bàn ở đây. Song, chỉ có thể nói rằng kiệt tác “Vườn xuân Trung Nam Bắc” kể từ khi được UBND TP. HCM mua và sau đó trở thành bảo vật quốc gia thì được rất nhiều công chúng yêu thích nghệ thuật biết đến. Còn bức “Vườn xuân” ngay khi sáng tác xong được giới hội hoạ đánh giá là “tuyệt tác” nhưng càng về sau rất ít công chúng biết hoặc nhắc đến, trong đó có sự vô tình của giới yêu thích hội họa và sự lạnh nhạt của chủ sở hữu bức tranh. Người viết đã tình cờ trông thấy và sau đó, nhiều lần có dịp nhìn ngắm “tuyệt tác” này. Với đề tài cổ điển, trong bức tranh “Vườn xuân” mấy tố nữ chơi đùa trong khung cảnh một vườn hoa dưới ánh trăng, đây có thể chẳng cần giải thích dông dài. Nhưng vẫn có thể có những ai phân tích tỉ mỉ tán nghĩa rằng: Sáu cô tố nữ bên trái tượng trưng cho “6 thức” con người; ba cô ở khoảng giữa múa tượng trưng vũ điệu “tham sân si”. Còn người đàn bà bồng con đứng phía bên tay mặt nhìn ra tượng trưng “thức thứ 7”, “cái ta” chuyển thành tình thương “từ - bi - hỉ - xả”, dưới ánh sáng của Bồ Đề Tâm, còn như ở phía dưới là chìm đắm trong tối tăm phiền não.
Giải thích như vậy kể ra cũng một phần nào hợp với tranh vẽ, nhưng sự thật ý định của họa sĩ không phải để minh họa “duy thức luận”. Minh họa như vậy có họa chỉ làm tối nghĩa đi, mà có ai điên rồ mới minh họa một pháp môn tinh diệu nhường ấy.
Còn ở bức tranh “Hoài niệm xứ Bắc”, đề tài với những hình ảnh cổ kính, phong cảnh, chùa chiền, nhân vật ngoài Bắc, với đời sống thanh bình của một thời chưa xa như đình đám, đi chùa, chợ búa, làm ruộng… Phía trên có bộ “tứ bình” vẽ mấy danh thắng Thủ đô: Hồ Hoàn Kiếm, Ô Quan Chưởng, Văn Miếu, Chùa Một Cột… Ở giữa là bài thơ nôm của thi sĩ Tản Đà: Dù cho sông cạn đá mòn/ Còn non còn nước vẫn còn thề xưa/ Non cao đã biết hay chưa?/ Nước đi ra biển lại mưa về nguồn/ Nước non hội ngộ còn luôn.
Hai bên và phía dưới tranh là những hình ảnh và biểu hiện liên quan đến tinh thần đời sống của người dân miền Bắc và căn bản tôn giáo Nho – Lão – Thích.
Bức tranh vườn xuân Trung Nam Bắc
Bức tranh thứ ba, bức tranh “Trừu tượng”. Gọi tên như vậy là vì nội dung bức tranh không mô phỏng những sự vật mà ta thường thấy trong không gian khách quan, cùng với những biểu hiện của những cảm tưởng hoặc tư tưởng của người thưởng thức, thậm chí là của tác giả. Theo quan niệm thông thường, cái “khéo” của người nghệ sĩ là ở chỗ điều khiển dụng cụ cùng chất liệu thế nào để ghi làm sao cho hết những ảo ảnh trong cái gọi là không gian và thời gian. Chất liệu và cả cái công việc hội họa đều được coi là những phương tiện.
Với chất nhựa lấy ra từ cây sơn, một thứ cây mọc hoang trên những quả đồi cằn cỗi ở Phú Thọ, Hưng Hóa (miền Bắc). Chất liệu này sử dụng nó khó khăn, phiền toái vô cùng, cho nên người hoạ sĩ phải kiên trì, nhẫn nhục nhiều mới “hợp tác” được với nó. Nó không phải là phương tiện nữa, nó trở thành một người bạn, nó có những “tính nết”, những cảm tình (biết đâu đấy?) mà người họa sĩ phải chiều theo. Từ đó người họa sĩ dần gạt bỏ những quan niệm, quan điểm của riêng mình, từ những hình ảnh cho đến những tư tưởng quen thuộc.
Thế để rồi đi đến đâu? Sáng tác một bức tranh trừu tượng không thể nói là ý muốn của người họa sĩ như vậy, mà tự nhiên nó thành ra như vậy. Hoặc giả khi bắt đầu họa sĩ có những ý định, những ý muốn. Mà sáng tác xong, những ý định đó đã tiêu tan đâu mất rồi. Như xưa kia, Lý Bạch đã thốt ra: “Khúc tân dĩ vong tình”. Phải chăng HS. Nguyễn Gia Trí khi sáng tác bức tranh “trừu tượng” cũng do tâm trạng tương tư ?
Rất có thể chỉ có họa sĩ mới hiểu hết nội dung của ba bức tranh sơn mài khi ông gói gọn cả giang sơn gấm vóc trong 14 thước vuông! Ba “tuyệt tác” ấy bây giờ ra sao?
(còn nữa)
Cao Phương
Gửi bình luận