“Bà Bé” của Hùm xám Cai Lậy – Sài Gòn xưa, Kỳ 6
Kỳ 6: Đụng vào bà lớn thì ông trời cũng phải đổ
Dù làm mưa làm gió nhưng rồi cũng có một lần, bà lớn Lê Thị Giỏi, vợ Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm đang ở trên đỉnh danh vọng cũng có phen bẽ mặt. Tuy nhiên, những người làm cho bà lớn phải mất mặt cũng không thể hoàn thành được tâm nguyện của họ, dù ý nghĩa là rất lớn. Mất mặt nhưng quyền uy của bà lớn càng được minh chứng, càng làm cho những ai nghe danh bà phải… sởn gai ốc.
Việc mở trường tưởng chừng như thuận lợi, ngay cả khi có sự hậu thuẫn từ ông lớn thế nhưng mọi việc lại rơi vào bế tắc khi đụng phải cửa bà lớn
Khi bà lớn ăn không được
Cuối năm 1951 đầu năm 1952, dân số thành đô (Sài Gòn lúc ấy) vùn vụt lên cao. Vào thời điểm ấy, cư dân, cả nhập cư ước lên khoảng 2 triệu người. Lúc này thành phố chưa được mở mang cho lắm nên xảy ra tình trạng khan hiếm nhà ở. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu trường học trầm trọng. Nhu cầu học hành của người dân càng bức thiết hơn bao giờ hết.
Đứng trước thực trạng ấy thì chính việc thành lập hội trường tư là một cứu cánh tiếp sức cùng ngành giáo dục. Lúc bấy giờ, ở Sài Gòn có Hội Samlpic (đức trí thể dục) là một đoàn thể tiên phong đứng lên thực hiện. Công cuộc lập hội và lập trường của Hội Samlpic đang tiến hành mạnh mẽ thì bỗng bị vướng phải một chướng ngại cản đường.
Cái chướng ngại ấy chính là sự thọc gậy bánh xe của chính “bà lớn số một Việt Nam”. Là một việc rất có ích nhưng công cuộc lập Hội Samlpic vẫn bị ngăn trở một cách đáng tiếc. Về phần bà lớn, hễ không được thỏa mãn về hai mặt lợi và danh là chẳng từ một việc nào mà không dám phá đám. Nghĩa là không ăn được thì đạp đổ, dù cái việc mà bà muốn đạp đổ không phải là một việc tầm thường mà làm một việc có lợi rõ ràng cho Quốc gia, cho xã hội.
Dù Hội Samlpic trước giờ là một hội có tiếng ở Sài Gòn, có tôn chỉ chuyên lo về các công trình văn hóa. Hồi mới thành lập, Hội có tậu được ở vùng chợ Quán (đường Hàm Tử trước đây, nay là đại lộ Võ Văn Kiệt, Q.5, TP.HCM) một mảnh đất để dựng trụ sở. Mảnh đất này có bề mặt rộng hơn 5.000, trị giá không dưới 10 triệu đồng.
Tuy nhiên, do lô đất này nằm trong quy hoạch của nhà cầm quyền khi đó nên Hội Samlpic không thể làm gì được. Khi trụ sở này bị nhà cầm quyền Pháp sung công song để đền bù lại, nhà cầm quyền Pháp cho Hội mướn lại một khoảng đất rộng 3.200m ở góc đường Nguyễn Tấn Nghiệm (nay là Trần Đình Xu, Q.1 ngày nay) – Frère Louis (đường Nguyễn Trãi, Q.1 ngày nay) với giá rẻ mỗi năm chỉ một đồng bạc. Hiện nay, góc này là Trường THCS Đức Trí.
Ngoài ra, để tỏ ra công bằng, nhà cầm quyền còn cho Hội Samlpic được ký giao kèo năm năm một lần, mặc nhiên gia hạn đến lúc nào cũng được. Nhờ khoảng đất này, Hội Samlpic cất trụ sở mới. Ngoài trụ sở, Hội cũng muốn dùng một khoảng đất rộng để làm một cái gì nhưng chưa có dịp... Trước tình thế thành phố ngày càng khan hiếm trường học, Hội quyết định thành lập một Hội Nặc danh với số vốn 10 triệu đồng.
Sau khi ra đời, Hội này sẽ có nhiệm vụ xây dựng một nữ học đường ngay trên miếng đất được nhà cầm quyền Pháp cho mướn tại góc đường Nguyễn Tấn Nghiệm – Frère Louis. Để có thêm kinh phí xây dựng và hoạt động ngôi trường này, Hội Nặc danh quyết định bán cổ phần. Với quy định, mỗi cổ phần là 1.000 đồng, Hội Nặc danh hình thành rất nhanh nhờ sự tham gia đông đảo của phụ huynh học sinh. Sở dĩ họ tham gia đông là vì ý nghĩa của hoạt động này.
Từ đây cũng báo hiệu đoạn kết của bà lớn
Bà lớn ra mặt
Về phần mình, bà lớn lúc này cũng hứa sẽ mua một số cổ phần là ba triệu đồng. không chỉ thế, bà lớn còn hứa hẹn nhiều điều nữa. Phấn khởi trước kết quả tốt đẹp đó, Ban Quản trị Hội Samlpic mới tính đến việc thiết lập bản vẽ cất trường nữ học, việc này được một số kiến trúc sư giải quyết nhanh chóng vì họ cũng muốn chung tay vì việc chung. Và trong một phiên họp toàn Hội, mọi người đều đồng ý sẽ sử dụng cả 10 triệu đồng để xây dựng một nữ học đường, có thể thu nhận trên 3.000 nữ sinh, có cả nội trú.
Việc thiết kế bản vẽ làm xong xuôi, các nhân viên quản trị lại tính ngay đến một việc quan trọng và thực tế hơn: việc dọ dẫm ý kiến của mấy người cầm đầu Chánh phủ. Liền đó, “một đoàn đại biểu” được đề cử thành lập với nhiệm vụ vận động mở đường cho việc xin phép cất trường nữ học. Cùng sốt sắng trong công việc hữu ích, có nhiều tiếng vang tiếng đẹp, đoàn đại biểu lập tức đến xin ý kiến ông lớn tại Văn phòng Thủ tướng.
Thật không ngờ và quá ngạc nhiên khi họ được ông lớn đón tiếp niềm nở. Ông lớn, sau khi nghe lời trình bày của các đại diện Hội Samlpic thấy không có lý gì mà từ chối được. Không những không từ chối mà ông còn gật lấy gật để. Hơn thế nữa ông còn ra huấn từ, đại ý rất hài lòng trước một công cuộc văn hóa lớn lao và theo đúng kiểu mẫu.
Ông đã khuyến cáo, Hội Samlpic nên xúc tiến mạnh mẽ công cuộc lập trường. Sau đó, ông lớn còn long trọng hứa hẹn sẽ chuẩn y tất cả các yêu cầu của Hội xung quanh vấn đề cất trường nữ học. Vì việc làm này không chỉ có ích cho Hội mà còn cho cả Chánh phủ cũng được thơm lây khi xây trường cho dân.
“Được lời như cởi tấm lòng” Hội Samlpic mới yên lòng tính ngay việc thành lập trường nữ học. Để lo việc cất một ngôi trường nữ học đường có thể thâu vô 3.000 nữ sinh, Hội Samlpic đã lập Hội Nặc danh trên nguyên tắc kêu gọi phần hùn theo hình thức bán cổ phần. Cùng với việc được sự đồng ý của ông lớn cho cất trường trên phần đất của Hội trong một thời hạn là 90 năm…. lúc này, Hội samlpic vô cùng phấn khởi.
Tin lời hứa của ông lớn, Hội Samlpic liền về xúc tiến công việc ở giai đoạn cuối. Song, nào ai có ngờ đâu việc làm của Hội lại bị một cái gai cản trở giữa khi nó đang phát triển tốt đẹp. Số là khi Hội nhóm họp bầu Ban Quản trị chuyên lo công cuộc cất trường thì có bà lớn hiện ra. Bà long trọng tuyên bố sẽ mua 3.000 cổ phần thành tiền ba triệu đồng.
Nhưng muốn bà lớn bỏ ra số tiền to tát như vậy thì Hội phải mời bà làm Chủ tịch công cuộc cất trường, phải giao cho bà trọn quyền quyết định công cuộc mở trường và ghê hơn nữa là phải lấy đại danh của bà để đặt tên cho trường nữ học. Với yêu cầu phi lý này, mọi người thấy “choáng” nhưng chưa biết xử trí thế nào cho phải phép.
Sau khi nghe bà lớn tuyên bố, toàn Hội đức trí cực lực từ chối nhưng để bà đỡ mất sĩ diện, mấy nhân viên trong Ban Trị sự chỉ từ chối một cách nhẹ nhàng. Họ nói rằng, công cuộc cất trường là công cuộc của rất nhiều người. Nó là công việc do một đoàn thể chủ trương nên Hội rất tiếc không thể mời bà đứng tên, làm chủ tịch. Lời từ chối ấy tuy rằng rất hợp lý nhưng chẳng hợp tai bà lớn.
Tức vì lời nói của mình lần đầu bị kẻ dân thường gạt bỏ, bà cười lại một tiếng mà rằng: “Không nghe tui thì rồi tụi nó sẽ biết tay tui”. Ngày hôm sau, sau khi từ chối yêu cầu của bà lớn, Hội Samlpic đệ đơn xin phép cất trường, để cho danh chính ngôn thuận và để cho hợp pháp, Hội lấy tên là Nặc danh (tức là Hội lập trường tư). Tuy nhiên lúc này, đơn của Hội không được ký duyệt mà bị gạt hẳn đi. Đến lúc này hội mới hiểu oai hùm của bà lớn và hiểu rằng tại sao thiên hạ lại có câu: “Đụng vào bà thì ông trời cũng đổ”.
Công cốc… chìm xuồng? Việc vận động thành lập và xây trường tư tưởng như suôn sẻ, ai dè bị bà lớn “chọc gậy bánh xe” và chìm xuồng. Công sức mọi người tưởng như là công cóc, không thể hoàn thành. Mãi cho tới khi bà lớn bị bắt thì mọi việc mới có thể tiến hành suôn sẻ. |
Thanh Tùng
Gửi bình luận