Ẩm thực Việt Nam mang hồn cốt Việt
Tinh tế đến từng chi tiết
Những ngày cuối năm, nhà hàng Ánh Tuyết (số 22 và 25 Mã Mây, Hà Nội) tất bật hơn ngày thường. Những thực khách đến thưởng thức đồ ăn truyền thống của Hà Nội tại nhà hàng cũng có, người đến đặt món để mang về nhà chuẩn bị cho ngày Tết, người gọi điện từ phương xa để đặt nhà hàng bữa ăn cho hành trình du lịch Việt Nam trong vài tháng tới…
Sau khi cùng hai con gái chuẩn bị món ăn cho khách hàng, từ bát phở, đĩa nem, gà quay mật ong, tỉa cà rốt, làm nộm hoa chuối…, bà Tuyết lại lo trang trí lại nhà hàng. Đó là khoảng không gian nhỏ nhắn đủ chừng 20 thực khách, ấm cúng trong không gian phố cổ, bàn ghế gỗ đơn giản mà sang trọng, những bức ảnh đen trắng nhuốm màu thời gian treo trên tường, bình hoa tươi được chủ nhà mua từ những gánh hoa hái buổi sớm mai ở những vườn hoa ven đô. Khó nhất và quan trọng nhất là chọn nơi đặt những nồi đất, nồi đồng được gia chủ kỳ công chọn lựa, mang từ những làng nghề truyền thống về để cho khách hàng tới thưởng thức món ăn được biết về những món đồ thuở nào, đủ nhớ thương về Hà Nội nay chỉ còn trong ký ức.
Đó cũng là lý do dù cuộc sống có bao nhiêu đổi thay, nghệ nhân dân gian Ánh Tuyết vẫn ngày ngày giữ gìn những giá trị ẩm thực truyền thống của Hà Nội qua những món ăn xưa, được truyền từ đời bà, đời mẹ, tới đời bà. Người vẫn âm thầm giữ lửa cho những giá trị truyền thống, đưa ẩm thực trở thành nét văn hóa nổi bật thể hiện được cốt cách của Hà Nội, vừa tinh tế, vừa thanh tao, cầu kỳ, kỹ tính, mà đôi khi là khó tính. Bà kể, mỗi lần đi trình diễn ẩm thực ở các tỉnh hay ra nước ngoài, hành trang của bà lỉnh kỉnh nào dao nào kéo, mắm, muối, hành, ngò, quế, hồi, thảo quả… để giữ được hương vị phở đúng như vị phở xưa, ướp cá đúng kiểu dân gian vừa thơm vừa đậm vị. Có những khi tham gia sự kiện như “Những ngày văn hóa – du lịch Việt Nam 2014” tại Nhật Bản, bà không thể mang nhiều đồ nên đã chọn làm món nem. Điều vui nhất với nghệ nhân “mang … nem đi đến xứ người” là những thực khách đã thưởng thức món nem bà Tuyết làm tại thành phố Yokohama đã bình chọn đó là món ngon nhất trong chương trình.
Quảng bá giá trị truyền thống
Với suy nghĩ cách quảng bá về văn hóa Việt Nam gần gũi và giản dị nhất mà mỗi người Việt Nam đều có thể trở thành đại sứ qua con đường ẩm thực, bà Tuyết không chỉ cố gắng nấu ăn ngon mà còn để những món ăn biết kể chuyện về lịch sử, truyền thống. “Bạn bè quốc tế muốn đến khám phá văn hóa Việt Nam và thưởng thức những món ăn truyền thống của Việt Nam vì điều đó có thể nói lên văn hóa, cốt cách của một dân tộc”.
Khi một kênh truyền hình Mỹ cùng với đầu bếp, nhà phê bình ẩm thực nổi tiếng thế giới Antony Bourdain tới Việt Nam, bà đã giới thiệu món gà quay mật ong, món gia truyền của gia đình và được đánh giá là một trong những món ăn Việt Nam ngon nhất mà ông từng thưởng thức. Sau đó, nhờ truyền thông, câu chuyện về người con gái Hà Nội với những món ăn truyền thống được lan tỏa tới nhiều nước trên thế giới. Có những dịp cả đoàn khách nước ngoài mặc áo the khăn xếp, đi xích lô tới thưởng thức món ăn, có những đoàn đại sứ quán năm nào cũng tổ chức tất niên tại nhà hàng Ánh Tuyết, để nghe bà giới thiệu về tục lệ gói bánh chưng, xôi gấc và nghe sự tích ông Công, ông Táo.
Những cuốn sổ cảm nhận của thực khách dày thêm mỗi ngày đã khiến bà có ý định mở những lớp dạy nấu ăn cho du khách. Hơn 20 năm dạy nấu ăn cho du khách, chỉ tính số “học viên” nước ngoài được bà dạy nấu ăn, đã có trên 4000 học viên từ nhiều nước trên thế giới. Có những người đến học theo những tour du lịch, được đi chợ, tự tay chọn con cá, quả cà rồi về nấu ăn, họ thích thú vì được hòa nhập với cuộc sống hằng ngày của người Việt Nam, chọn đồ ăn tươi sống và vào bếp. Có người theo học ròng rã vài tháng tới cả năm để về nước mở nhà hàng. Trong những bữa ăn của nhiều người tại Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Nam Phi... giờ đã có thêm những món ăn truyền thống của người Hà Nội như bào ngư, vây yến, canh bóng đến riêu cua, riêu cá, bún chả, bún thang, cá hấp, xôi chè…
Nghệ nhân Ánh Tuyết cũng đi truyền nghề cho rất nhiều đầu bếp tại các khách sạn trong và ngoài nước. Một trong năm giải thưởng mà khách sạn InterContinental Danang Sun Peninsula Resort được vinh hạnh tại lễ trao giải World Travel Awards lần thứ 21 được tổ chức tại Ấn Độ tháng 10/2014 vừa qua – Asia’s Leading Hotel Dining & Entertainment Experience - Khu nghỉ dưỡng tốt nhất về dịch vụ giải trí và ẩm thực tại châu Á có một phần đóng góp của nghệ nhân Ánh Tuyết.
Khi được hỏi “Bà có sợ mất đi bí quyết nấu ăn gia truyền đã tích lũy bao đời?’, nghệ nhân Ánh Tuyết cười tươi. Nói về nấu ăn, về ẩm thực, về văn hóa, trong mắt người phụ nữ ấy như đang có lửa, bùng lên bởi tình yêu và mong mỏi được lan tỏa tới mọi người. Bà khẳng định “Giá trị của văn hóa Việt Nam có ẩm thực, đó là cốt hồn cốt túy, mang giá trị lịch sử được cha truyền con nối. Các cụ đã truyền đến đời mình, thì mình phải truyền lại con cháu, phải truyền lửa của các cụ tới các thế hệ tiếp nối để còn giữ gìn. Tôi còn dự định viết sách, cẩn thận, chi tiết như đang nấu ăn và có thể dịch ra tiếng nước ngoài để mọi người biết nhiều về ẩm thực Việt Nam”.
Hương Thảo
Gửi bình luận