Phát huy giá trị di sản Đường Lâm thế nào?
Với nguồn tài nguyên du lịch di sản văn hóa, tâm linh, trải nghiệm phong phú đa dạng, làng cổ ở Đường Lâm (Hà Nội) đang là điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Làng cổ ở Đường Lâm cũng đang được Hà Nội lựa chọn là một trong 6 điểm du lịch quan trọng của TP trong thời gian tới. Tuy nhiên, để di sản văn hóa quý báu này dần xứng đáng với vị trí, tiềm năng của nó, tiếp tục cần có những hành động cụ thể, thiết thực hơn nữa.
Cổng làng Mông Phụ-ảnh tư liệu
Về thực trạng tại các di tích trong làng cổ, hiện nay còn có một số vấn đề đáng quan tâm:
1. Thiếu các bảng biển, chỉ dẫn tại di tích nhà cổ.
Theo thống kê, hiện có khoảng 32 điểm di tích (nhà cổ, đình, đền, chùa, giếng, quán…). Tại đây, hầu như không có biển giới thiệu tóm tắt về di tích bằng tiếng Việt và tiếng Anh, ngoài ra là các biển báo chỉ dẫn vào các di tích như hướng đi, đoạn đường dài bao nhiêu…
2. Kỹ năng giao tiếp, thuyết minh bằng tiếng Anh cho hướng dẫn viên và chủ nhà cổ, người trông coi di tích cần được nâng cao.
Các nhà cổ thường xuyên đón số lượng không nhỏ khách nước ngoài đến tham quan. Ngoài vai trò hướng dẫn của hướng dẫn viên tiếng Anh của công ty, các chủ nhà và hướng dẫn viên của Ban quản lý rất cần được trang bị ngôn ngữ tiếng Anh giao tiếp. Ở Đường Lâm, các gia đình đã và đang có nhu cầu rất lớn về việc được học tiếng Anh để đón và phục vụ khách (có 1 số nhà được đón khách nước ngoài mà không có hướng dẫn của công ty đi cùng nên vô cùng khó khăn trong việc giải quyết giúp đỡ đoàn).
3. Về công tác chế biến các món ăn phục vụ du khách trong và ngoài nước:
- Hiện tại một số nhà vẫn còn thiếu bảng niêm yết thực đơn, giá. - Cần xây dựng bộ chuẩn các món ăn đáp ứng nhu cầu của khách Việt, khách nước ngoài.
- Thiếu về bảo hộ lao động, vệ sinh như: mũ, áo, khẩu trang, găng tay…
- Tư vấn xây dựng khu chế biến, nhà bếp riêng biệt, cách ly không ảnh hưởng đến khu vực tham quan của khách.
Một số giải pháp, đề xuất của chúng tôi:
Tổ chức các sự kiện chuyên đề về di sản văn hóa tại nhà cổ và di tích tiêu biểu theo tháng, quý như: tăng cường bảo vệ môi trường; nói chuyện trao đổi về các chủ đề về nông thôn Việt Nam như gia đình, tập quán canh tác sản xuất, phong tục tập quán; trình diễn các món ăn ẩm thực truyền thống mời du khách trải nghiệm; tổ chức một số trò chơi dân gian thu hút thanh thiếu nhi tham gia như hát chầu văn, ca trù tại sân đình, múa rối nước tại hồ gần cổng làng hay múa lân múa rồng ở sân đình, sân chùa...
Xây dựng 1 – 2 mô hình ngõ điển hình: nơi có các bức tường đá ong, nhà cổ đẹp để phục vụ khách tham quan với các nội dung như: trồng hoa cây cảnh trên tường gạch đá ong; bảo đảm vệ sinh môi trường: cống thóat nước có nắp đậy; trang trí đèn lồng hay đèn dáng cổ trên bờ tường (dùng pin năng lượng mặt trời); sưu tầm, thu thập các loại tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc sống, sản xuất, phong tục, tập quán … của nhân dân qua nhiều thế hệ để tổ chức các đợt trung bày phục vụ khách tham quan làng cổ, Xây dựng các mô hình khác cho nhân dân trải nghiệm như: cánh đồng hoa trồng và chăm sóc theo mùa vụ, nghiên cứu khi hậu, thổ nhưỡng …nơi trồng rau củ quả sạch thân thiện với thiên nhiên môi trường; hỗ trợ mua sắm phương tiện (xe điện) cho người dân phục vụ nhu cầu tham quan của khách từ chùa Mía vào khu vực đền Phùng Hưng – đền, lăng vua Ngô Quyền – rặng ruối cổ.
Giúp hội phụ nữ thôn Cam Lâm xây dựng xưởng chế biến bánh chè xanh để phục vụ nhu cầu trải nghiệm của khách (xưởng này đã có quá trình sản xuất nhưng còn thiếu nhiều thiết bị).
Hạn chế tối đa các phương tiện giao thông của du khách đi vào trong làng, khuyến khích mọi người nên đi bộ (việc làm này luôn nhận được sự ủng hộ và thực hiện từ các đoàn khách nước ngoài).
Xây dựng phương án thu phí phương tiện hợp lý, đúng quy định.
Thực trạng di tích làng cổ ở Đường Lâm đang rất cần sự quan tâm đầu tư có trọng điểm của chính quyền địa phương, sự ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp và du khách để trong thời gian không xa, không gian và các giá trị trường tồn, quý báu của di tích luôn là điểm đến thu hút đông đảo du khách, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư và thực hiện tốt công tác quản lý bảo tồn di sản.
Nguyễn Trọng An
Gửi bình luận