Hành trình vòng quanh Tây Bắc trước mùa xuân
Tây Bắc Việt Nam có cảnh quan thiên nhiên núi non hùng vĩ được kiến tạo cách đây hàng trăm triệu năm. Chính sự kiến tạo địa chất lâu đời, đặc biệt đó đã tạo nên những nét đặc trưng riêng của đất đai và con người nơi đây. Đó là sự đa dạng về sắc màu văn hóa, sự thuần khiết, mộc mạc, mến khách của đồng bào. Chúng tôi vừa có một chuyến trải nghiệm vòng quanh 5 tỉnh Tây Bắc, vượt qua trên 1000 cây số với những kỷ niệm khó quên. Chuyến đi nằm trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ các tỉnh khu vực Tây Bắc đẩy mạnh tuyên truyền về du lịch do Báo Du Lịch ( Tổng Cục du lịch) tổ chức.
Người Mông ở bản Sin Súi Hồ
Trải nghiệm cùng Tây Bắc
Buổi sáng, chúng tôi xuất phát từ Hà Nội lên Sapa theo đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Đây là đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam với tổng chiều dài 245 km đi qua 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và hai con sông lớn là sông Hồng và sông Lô. Từ hồi có con đường này, hành trình Hà Nội - Lào Cai được rút ngắn từ 7 tiếng xuống còn 3,5 tiếng đồng hồ. Nhờ vậy, sự giao lưu hàng hóa giữa các vùng thuận lợi hơn và lượng khách du lịch đến với Tây Bắc ngày càng nhiều. Con đường đã mở ra những tiềm năng còn ẩn giấu của núi rừng Tây Bắc. Buổi trưa, chúng tôi đến Tp. Lào Cai, được Sở VHTT&DL Lào Cai đón và đi tiếp lên Sapa. Quãng cuối chiều thì đến nơi. Đặt chân đến Sapa, nơi đỉnh cao 1500 m so với mặt biển mới cảm nhận hết được sự khác biệt của thời tiết so với Hà Nội và các vùng khác. Sương mù - có lẽ đặc sản tuyệt vời nhất của Sapa là sương mù bao phủ quanh năm. Nhiệt độ xuống thấp hơn hẳn so với khu vực. Ban ngày là 9 độ C và ban đêm chỉ còn 7 độ C. Đêm Sapa mới thật tuyệt vời. Chúng tôi đi lẫn vào màn sương mù mịt. Lạnh tê tái. Song những mắt đêm của Sapa không ngủ. Hàng quán vẫn sáng trưng. Cảnh mua bán của khách du lịch với những người dân bản địa vẫn diễn ra tấp nập. Những sản phẩm làm từ thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số được đặc biệt yêu thích và thu hút cả khách tây lẫn khách ta.
Tối khuya, những du khách thích lọ mọ như chúng tôi chống lại cái rét bằng rượu ngô bên những lò than hồng với vô vàn các món nướng đặc trưng của vùng cao. Có cả một sạp đầy đồ chế biến sẵn để nướng, tha hồ lựa chọn. Mùi trứng nướng, ngô nướng, khoai nướng thơm nưng nức, khen khét. Mùi ngòn ngọt, thanh thanh của cà nướng, đậu cove, nấm … xộc vào mũi. Tất cả các mùi quyến rũ đó quyện với khói sương khiến ai cũng phải dừng chân hít hà thật sâu. Mùi của đêm thật thanh bình, no ấm. Đêm đó, chúng tôi đã nhập bàn ngồi uống rượu với những thanh niên bản địa người Ráy. Những chàng trai, cô gái tuổi ngoài đôi mươi rất thân thiện và hiếu khách. A Chanh, A Hằng, A Linh, A Thức, A Đoàn…những cái tên gợi nhớ. Chén rượu đêm sóng sánh kéo chúng tôi lại gần nhau hơn và câu chuyện cứ kéo dài xuyên đêm từ chuyện làm du lịch ở Sapa cho đến phong tục tập quán của đồng bào.
Đèo Ô Quy Hồ huyền thoại
Sáng sớm hôm sau, khi màn sương còn giăng mù mịt và những ngôi nhà, những hàng cây vẫn gối đầu ngủ im lìm, chúng tôi lại lên đường sang Lai Châu. Đường đi tương đối khó khăn vì phải vượt qua nhiều đèo dốc quanh co. Có đoạn tưởng như đang đi thẳng lên trời, ù đặc hai tai. Có đoạn lại tưởng chừng như đang lao xuống. Chúng tôi đi qua đèo Ô Quy Hồ huyền thoại, mây trắng bồng bềnh quanh những sườn núi tạo nên khung cảnh nên thơ, hùng vĩ đẹp đến nao lòng. Đây là đoạn đường đèo hiểm trở và hùng vĩ nhất của vùng núi phía Bắc. Nó cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, nối hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Vì vậy còn có tên là đèo Hoàng Liên hay Hoàng Liên Sơn hoặc đèo Mây vì quanh năm mây trắng bao phủ. Tuy nhiên, du khách biết đến con đèo này với cái tên Ô Quy Hồ. Tương truyền, ở vùng núi này có một loài chim có tiếng kêu da diết gắn với chuyện tình yêu không thành của một đôi trai gái. Từ đó, ô quy hồ - tiếng kêu của loài chim được đặt tên cho đường đèo hoang dã ở độ cao 2000 mét.
Sang đến Lai Châu thì trời hửng nắng. Khí hậu đã khác biệt hẳn so với Sapa. Tuy vậy, vẫn còn se lạnh. Chúng tôi dừng chân tại động Tiên Sơn (thuộc xã Bình Lư huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu). Đây là một điểm du lịch đang thu hút khách. Động được hình thành từ núi đá vôi từ hàng triệu năm song mới được dân bản địa phát hiện từ năm 1990 và năm 2008 được chính quyền địa phương trùng tu tôn tạo. Năm 1996 được công nhận là di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia. Bên trong động rất dài và sâu, có một dòng suối chảy róc rách quanh năm cùng nhiều nhũ đá vôi đẹp mê hoặc. Bên ngoài động có những chùm tóc tiên xanh tốt quanh năm rủ xuống như những nàng tiên đang hong tóc. Cái tên hiện tại của động xuất phát từ phong cảnh đẹp như nơi cõi tiên. Động Tiên Sơn gắn với các truyền thuyết khởi tạo non sông cũng như các tích anh hùng bảo vệ đất nước từ xa xưa và là nơi cất giấu lương thực, nhân lực phục vụ các cuộc kháng chiến trong thời kỳ cách mạng.
Rời động Tiên Sơn, chúng tôi thẳng tiến bản Sin Súi Hồ, bản du lịch cộng đồng của người Mông, cách thành phố Lai Châu chừng 35 km. Bản ở độ cao 1500 mét so với mặt biển. Đường vào tương đối hiểm trở, có những đoạn đường cua tay áo như thách đố các tay lái tài ba, rất thích hợp cho những ai thích du lịch mạo hiểm. Bù lại, trên suốt dọc đường đi, cảnh núi rừng hùng vĩ ngút ngàn tầm mắt. Những ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ. Hai bên đường rực rỡ màu vàng của hoa dã quỳ. Những vạt dã quỳ mọc xen quanh những ngôi nhà sàn ven sườn đồi như phết thêm mảng vàng tươi trong ánh nắng mùa đông vàng sánh như mật ong. Vào đến Sin Súi Hồ, chúng tôi được đồng bào ra đón tiếp rất thân thiện, nồng hậu và dẫn chúng tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Những chiếc váy Mông đủ màu sắc sặc sỡ xập xòe trong nắng vui tươi như mời gọi. Cô hướng dẫn viên du lịch giới thiệu: Bản người Mông nhỏ xinh với trên một trăm hộ cùng mấy trăm nhân khẩu. Đồng bào sống bằng nghề trồng địa lan, thảo quả, nuôi dê, trâu… và bắt đầu làm du lịch gần 2 năm nay. Cuộc sống khá giàu có, sung túc, môi trường sạch đẹp, thoáng mát, không khí trong lành. Buổi trưa, chúng tôi ăn cơm tại nhà trưởng bản Giàng A Chỉnh. Anh chàng trưởng bản người Mông vừa đẹp trai vừa tài giỏi đã đưa địa lan, thảo quả về vận động bà con làm giàu, bỏ cây thuốc phiện. Anh rất gương mẫu đi đầu trong các phong trào để vận động bà con và hiến cả đất nhà mình để xây dựng chợ phiên. Anh nói bằng giọng Kinh lơ lớ: Thuyết phụ bà con khó lắm. Ban đầu chưa ai tin và có người còn nói này nói nọ rằng anh muốn tuyên truyền cho mình nên nói vậy. Nhưng tôi rất kiên trì và làm trước để bà con thấy. Lúc đó họ mới tin và làm theo. Bây giờ cả bản đều làm du lịch, trồng địa lan, thảo quả. Chậu lan có giá rẻ nhất đến 2 triệu đồng. Hiện nay trong bản đã có mấy chục gia đình kinh doanh lưu trú tại gia ( Home stay).
Rừng thông Bản Áng thơ mộng bên hồ nước trong xanh
Tạm biệt Sin Súi Hồ với những bâng khuâng vì kẻ ở người đi đều lưu luyến bịn rịn khi chia tay. Bỗng thấy thấm thía câu thơ của ai đó nói rằng “ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Dù đến và đi rất nhanh song Sin Súi Hồ đã khiến chúng tôi xao xuyến về tình đất, tình người mộc mạc, dễ thương. Chúng tôi lại tiếp tục hành trình vượt rừng núi 200 km nữa để đến Điện Biên. Đêm vùng cao xuống tự lúc nào không rõ. Những vì sao xa lắc xa lơ, mờ nhạt trên bầu trời đêm càng gợi sự hùng vĩ và hoang vu. Những bóng núi cao vời vợi che khuất tầm nhìn khiến xe không thể đi nhanh. Hành trình bị chậm gần 2 tiếng đồng hồ nên gần 9h đêm mới đến bản Mển ( xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Thật bất ngờ, cả bản người Thái và cán bộ Sở VHTT& DL tỉnh Điện Biên vẫn chờ chúng tôi bên nhà sàn giữa bản. Không biết do đói hay do món ăn ngon mà mọi người ai cũng đều ăn nhiều. Có lẽ do cả hai. Những món ăn Tây Bắc có phong vị riêng quyến rũ khiến ai thưởng thức rồi không thể nào quên. Thịt trâu gác bếp cay sè, lạp làm từ thịt và da trâu có vị khó tả… Trong bữa ăn của người Thái Tây Bắc không thể thiếu xôi nếp nương và cơm lam nướng thơm lừng trong những ống giang. Trong bữa ăn, trưởng bản Mển kể cho chúng tôi nghe sự tích của bản. Tên Mển dịch ra tiếng phổ thông là nhím. Vì khi lập bản, ở đây rất hoang vu có rất nhiều hang nhím. Vì vậy, mới lấy luôn tên đó đặt cho bản. Ông cười vang: Bây giờ bản nhím đã đông đúc đến mấy trăm hộ dân rồi. Trước kia ( ý ông muốn nói về thời còn là khu tự trị) và hiện nay, bản nhím còn có cả người làm tướng bên ngành công an đấy. Ăn xong, chúng tôi giao lưu văn nghệ với dân bản ngay dưới chân nhà sàn. Màn đêm tịch mịch của vùng cao chợt rộn rã, sáng bừng lên trong điệu xòe hoa nổi tiếng của người Thái. Hơn 22h, chúng tôi rời bản về khách sạn Mường Thanh, 4 sao, tại tp Điện Biên.
Sáng hôm sau, chúng tôi gặp gỡ với Sở VHTT & DL tỉnh Điện Biên, nghe giới thiệu về các tiềm năng du lịch của tỉnh. Ngoài du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, thế mạnh là quần thể di tích chiến thắng Điện Biên Phủ. Điểm đầu tiên chúng tôi được dẫn đi thăm là Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ. Nơi đây lưu giữ tất cả các chiến tích của 56 ngày đêm cùng những chiến công vang dội của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau đó, tiếp tục sang Đồi A1; Hầm tướng Đờ Cát. 11h chúng tôi lên xe đi về thị trấn Tuần Giáo ( Điện Biên) và ăn cơm tại đây. Từ khu di tích chiến thắng ĐBP đến Tuần Giáo khoảng 80 km đường núi quanh co. Có những đoạn đường hẹp cua tay áo khá nguy hiểm. Mọi người bị lắc lư trên xe. Ngoài trời nắng vàng rực. Vì đang mùa hoa cúc quỳ nên suốt những cung đường chúng tôi đi, hoa cúc quỳ nở vàng rực rỡ. Sắc hoa làm ấm áp cả mùa đông vùng cao Tây Bắc. Góp phần tô điểm thêm nét chấm phá đáng yêu của bức tranh thiên nhiên. Đúng 1h mới đến Tuần Giáo. Vì đường xa, nắng, cộng với mấy ngày nay di chuyển liên tục nên ai cũng thấm mệt. Ăn xong khoảng 14h30, đoàn tiếp tục hành trình về Sơn La. Đến đỉnh đèo Pha Đin, nơi tiếp giáp hai tỉnh Điện Biên và Sơn La, bước ra khỏi xe mới thấm được cái lạnh, gió phóng khoáng nơi đỉnh cao này. Chúng tôi như thấy, từng đoàn quân vẫn rầm rập kéo nhau đi trong tiếng hát, tiếng hò vang vọng một thời. Khoảng 16h, chúng tôi vào thăm di tích lịch sử nhà tù Sơn La. Tối hôm ấy, tại HTX Nậm La ( tp. Sơn La), chúng tôi được Sở VHTT &DL tỉnh Sơn La chiêu đãi những món ăn Tây Bắc ngon nhớ đời. Tôi nhớ, đã từng được những người bạn Sơn La mời thưởng thức món nậm pịa độc đáo của người Thái, món sâu tre rang lá chanh… Rồi hôm nay lại được thưởng thức những món lạ như canh bon, thịt trâu nấu lá vón vén, thịt lợn gói lá nướng.... Để có món canh bon, nghe nói phải nấu hết nửa ngày với rất nhiều gia vị cầu kỳ. Cái cách uống rượu của người Sơn La nói riêng và Tây Bắc nói chung cũng rất đặc biệt. Chủ với khách uống rượu xong đều bắt tay nhau thân thiện. Trong cái bắt tay thoáng qua đó, người ta đọc được hiều điều về nhau. Thân mật hơn nữa thì vòng tay qua tay, tay qua vai nhau và uống. Không biết men trong rượu, hay men trong mắt khiến cho con người ta xích lại gần nhau hơn. Thật khó có thể cưỡng lại tình cảm mộc mạc ấy của đồng bào Tây Bắc.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi thẳng tiến cao nguyên Mộc Châu. Với những tiềm năng sẵn có của vùng cao nguyên bò sữa bát ngát, Mộc Châu hiện nay đã trở thành điểm nhấn du lịch của tỉnh Sơn La. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi trong đoạn hành trình này thác Dải Yếm đẹp nên thơ. Tiếp theo là Bản Áng - bản du dịch cộng đồng. Nơi đây có đồi thông bên hồ nước trong xanh, đẹp mộng mơ như Đà Lạt thu nhỏ. Sau đó, chúng tôi thăm đồi chè của nông trường Mộc Châu. Trưa hôm đó, ăn cơm tại cao nguyên mộc châu với các món ăn đặc trưng của vùng Tây Bắc. Ở đây đặc biệt hơn vì có món nhau thai bò. Đây là vùng chăn nuôi bò sữa rất phát triển. Cô hướng dẫn viên phòng văn hóa huyện Mộc Châu nói đùa giọng tưng tửng: “Ở đây có nghề bóp vú được trả tiền”, ( ấy là cô đang nói đến nghề vắt sữa bò), làm mọi người cười nghiêng ngả.
Chia tay Mộc Châu, chúng tôi về Bản Lác, ( thuộc huyện huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình). Trong hệ thống bản du dịch cộng đồng mà chúng tôi đi qua trong hành trình vòng quanh Tây Bắc, có lẽ bản Lác, bản của người Mường là chuyên nghiệp nhất. Buổi chiều, có thể ra đầu bản ngắm khói lam chiều và hít thở mùi hương đồng gió nội. Mùi khói rơm thơm nồng nàn quyện với mùi đồng đất ngai ngái đầy chặt không gian chiều tà. Khói chiều bảng lảng vắt quanh sườn núi như đang choàng tấm khăn voan mỏng. Đêm Bản Lác, chúng tôi ngủ cộng đồng trong những ngôi nhà sàn bằng gỗ. Ăn những món ăn đặc trưng của dân tộc Mường, múa hát bên nhà sàn. Đêm đó, điệu xòe Thái, Sênh tiền của người Mường, Múa sạp đặc trưng của Tây Bắc… cùng hòa nhịp bên vò rượu cần trứ danh của vùngTây Bắc. Đó là những trải nghiệm tuyệt vời, khó quên.
Sáng hôm sau, chúng tôi đến thăm Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Đây là nhà máy do Liên Xô ( cũ) giúp ta xây dựng trong vòng 15 năm của thế kỷ trước trên dòng Sông Đà. Lúc đó là nhất Đông Nam Á. Nhưng sau khi Nhà máy thủy điện Sơn La khánh thành, ngôi vị lớn nhất Đông Nam Á thuộc về nhà máy này. Hiện nay, cũng trên dòng sông Đà, ngày 14/12/2015, Nhà máy thủy điện Lai Châu hòa tổ máy số 1 có công suất 400 MW vào lưới điện quốc gia. Khi thủy điện Lai Châu hoàn thành, sẽ nâng tổng công suất của 3 nhà máy lên thành 5.500 MW. Con sông Đà dài gần 1000 cây số, bắt nguồn từ Trung Quốc và chảy qua 5 tỉnh Việt Nam khoảng trên 500 cây số từ Lai Châu sang Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình và Phú Thọ, trở nên nổi tiếng bởi chứa trong lòng 3 nhà máy thủy điện khổng lồ cùng nhiều tiềm năng, tác dụng khác ngoài phát điện. Hôm nay, đi thuyền trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình chừng 45p chúng tôi đang cảm nhận được các tiềm năng đó của con sông nổi tiếng này. Đó là tiềm năng du lịch. Trong lòng hồ hiện nay có nghề nuôi cá tầm khá phát triển. Suốt dọc hành trình chúng tôi đi qua có Đền Thác Bờ, thờ Mẫu Thoải nổi tiếng với các lễ hầu đồng, hát văn. Các bản làng người Mường xen kẽ với nhiều không gian văn hóa mê hoặc lòng người. Sau đó, chúng tôi đến thăm khu sinh thái Khách sạn Hòa Bình do công ty tư nhân đầu tư xây dựng. Hiện nay, công ty này đã đầu tư vào đây 84 tỷ đồng. Bà Giám đốc xinh đẹp còn bật mí, sẽ tiếp tục đầu tư nhiều nữa như bể bơi tiêu chuẩn 5 sao; Khu vui chơi, du lịch trên lòng hồ sông Đà… Chúng tôi xây dựng đều trên tinh thần hướng đến, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Mường Hòa Bình.
Cô gái Thái đang chuẩn bị bữa ăn.
Những trăn trở
Trong buổi hội thảo cuối cuộc hành trình, thành phần gồm Tổng cục du lịch, Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, doanh nghiệp, nhà báo … những trăn trở về du lịch Tây Bắc đã được chia sẻ công khai. Tây Bắc mở rộng gồm 8 tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Giang. Không ai có thể phủ nhận những tiềm năng vô tận còn chưa được đánh thức của vùng cao này. Đó là sự hùng vĩ, hoang sơ ngút ngàn của núi rừng. Sự đa dạng, đặc sắc về sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Sự hồn nhiên, thân thiện như núi rừng của con người… Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của Tây Bắc còn rất nghèo nàn, sự đầu tư còn hạn chế và chưa sâu nên các sản phẩm du lịch còn bị trùng lặp. Nhiều nơi, còn có hiện tượng đeo bám làm phiền khách du lịch và đôi khi, sự thương mại hóa đang làm mất dần bản sắc. Nguồn nhân lực cho ngành này còn thiếu và yếu. Môi trường du lịch chưa bền vững và còn hạn chế trong tuyên truyền quảng bá. Tổng cục Trưởng Tổng cục du lịch Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ: Tây Bắc có 3 đặc điểm nổi bật, khác biệt. Đó là sự hùng vĩ về thiên nhiên, đặc sắc về văn hóa, hào hùng về lịch sử. Hiện nay, đường đi lại đã thuận lợi. Chúng tôi đang tổ chức nhiều các hoạt động xúc tiến du lịch thường xuyên hơn cũng như hỗ trợ các cơ chế chính sách phù hợp để phát triển vùng du lịch này. Để đánh thức tiềm năng vô tận của sứ sở thần tiên này, các tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với nhau để xây dựng các tuyến du lịch chung. Trong đó, chú ý đến các sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương, từng khu vực.
Chiều hôm đó, chúng tôi quay trở về Hà Nội. Như vậy, với 5 ngày 4 đêm, chúng tôi đã đi qua 5 tỉnh Tây Bắc: Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình với tổng cung đường đi trên 1000 cây số. Đây là một hành trình đầy trải nghiệm thú vị trước ngưỡng cửa mùa xuân. Trong suốt cung đường ấy, có cảm giác như mùa xuân đang lấp ló đâu đó trong ánh mắt, trên những đỉnh núi, những sườn đồi và thảo nguyên bát ngát. Mùa xuân đang chờ để trỗi dậy cùng đất và người Tây Bắc.
Ghi chép của: Kim Thanh
Gửi bình luận