Du lịch- Động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội
Năm 2015, ngành Du lịch Việt Nam đã trải qua lịch sử 55 năm trưởng thành và phát triển. Trong quãng thời gian đó đã ghi nhận nhiều bước thăng trầm của ngành gắn với bối cảnh phát triển chung của đất nước. Những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của ngành Du lịch đã góp phần mang lại một số thành tựu quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch ngày càng được nhiều du khách quốc tế biết đến.
Khách quốc tế đến Sapa-ảnh: Thanh Hà (TTXVN)
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã xác định: Phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu sau năm 2010, Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có ngành Du lịch phát triển trong khu vực. Tuy nhiên, thực trạng phát triển du lịch hiện nay vẫn đòi hỏi cần tăng cường nhận thức hơn nữa về vai trò của du lịch như một động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Từ nhận thức đó, ngành Du lịch sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để có thể khai thác hết tiềm năng, thế mạnh, thực hiện tốt trách nhiệm đóng góp kinh tế cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Một thực tế còn tồn tại đến nay đó là nhận thức về vai trò của du lịch đối với nền kinh tế phần lớn mới chỉ dừng ở định tính, chưa có nhiều phân tích thuyết phục mang tính định lượng. Đối với những nhà hoạch định chính sách và kinh doanh du lịch, tầm quan trọng về kinh tế của du lịch còn cần phải được tiếp tục chứng minh bằng những thông tin cho phép lượng hóa những tác động của du lịch, như: phát triển du lịch sẽ tạo ra bao nhiêu thu nhập cho dân cư địa phương, du lịch tạo ra việc làm thế nào, đóng góp thuế từ du lịch là bao nhiêu, du lịch đóng góp thế nào cho cán cân thanh toán ngoại tệ, v.v. Những thông tin như vậy sẽ rất có giá trị cho việc định hướng đầu tư và phát triển kinh doanh cho cả khu vực nhà nước lẫn khu vực tư nhân.
Trước hết cần phải khẳng định: trong thực tế việc tính toán, xác định tác động kinh tế của du lịch về mặt định lượng không phải là một công việc dễ dàng, thậm chí cả ở các nước có trình độ kinh tế phát triển. Các đánh giá thường không thể phản ánh một cách chính xác và đầy đủ mức độ tác động kinh tế của du lịch vì thiếu những thông tin cần thiết.Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu bắt nguồn từ một số đặc điểm trong tiêu dùng và kinh doanh du lịch. Cụ thể là:
- Tổ chức kinh doanh du lịch có rất nhiều về số lượng và đa dạng về ngành nghề, do vậy khó có thể tiếp cận đến từng tổ chức để thu thập các thông tin cần thiết.
- Tính cá nhân của tiêu dùng du lịch làm tăng độ phức tạp trong việc tính toán, phân tích chi tiêu cho một chuyến đi du lịch. Hầu như mỗi cá nhân đi du lịch đều có một cách chi tiêu khác nhau không thể dự đoán trước được.
- Hoạt động du lịch diễn ra trong phạm vi rộng lớn về mặt địa lý. Về nguyên tắc và trên thực tế hoạt động du lịch có thể diễn ra ở mọi nơi. Mỗi địa phương đều có các yếu tố văn hóa, môi trường, luật lệ riêng của mình, do vậy sẽ tạo ra các chính sách kinh doanh khác nhau. Để nghiên cứu một cách có hệ thống về hoạt động du lịch, chúng ta thường gặp rất nhiều khó khăn do không có sự đồng nhất trong đánh giá các chỉ tiêu kinh tế.
- Thông tin về chi tiêu du lịch không được xác định rõ ràng. Chi tiêu cho một chuyến đi du lịch (đặc biệt đối với du lịch nội địa) thường có thể nằm trong cả các chi tiêu khác như: phí giao thông, lương của các nhà quản lý, chi tiêu mua sắm cho các đồ dùng thiết yếu, mua sắm hàng hóa hàng ngày, v.v. Điều này làm khó khăn cho việc xác định mức độ phân bổ thu nhập cho hoạt động du lịch.
- Tính không đồng nhất của các số liệu thu thập được. Các đơn vị kinh doanh du lịch thường có quy mô nhỏ và thuộc sở hữu tư nhân, do vậy việc ghi chép số liệu không theo một chuẩn mực nào. Các số liệu khó có thể so sánh được với nhau.
- Tính chất bí mật của các thông tin kinh tế. Đối với một số thông tin cơ bản trong kinh doanh, các doanh nghiệp có xu hướng không muốn chia sẻ số liệu thực do lo ngại đối thủ cạnh tranh có thể khai thác các thông tin này.
- Chi phí cao cho việc tính toán các số liệu kinh tế. Để tập hợp và xử lý các thông tin cần thiết thường phải mất nhiều thời gian và kinh phí.Không phải cơ quan du lịch quốc gia nào cũng có đầy đủ kinh phí để thực hiện công việc tính toán phức tạp này.
Mặc dù tồn tại nhiều khó khăn như vậy, nhưng các nhà kinh tế vẫn tìm ra được những phương pháp khá tin cậy để tính toán định lượng tác động kinh tế của du lịch, như: phương pháp tính toán chi tiêu, phương pháp tính toán qua thu thuế, v.v. Một trong những phương pháp đang được nhiều quốc gia áp dụng là phương pháp tính toán theo tài khoản vệ tinh về du lịch và lý thuyết số nhân trong kinh tế. Theo phương pháp này, khi xác định tác động kinh tế của du lịch cần căn cứ vào các số liệu cơ bản sau:
- Chi tiêu của khách du lịch. Đây là tổng số tiền mà khách du lịch đã chi cho chuyến đi du lịch. Về cơ bản chi tiêu của khách du lịch được coi là nguồn thu chính của ngành Du lịch. Số liệu này thường được thu thập thông qua điều tra khách du lịch.
- Chi tiêu về đầu tư. Đây là tổng số tiền đầu tư của khu vực Nhà nước (bao gồm cả đầu tư từ ngân sách Nhà nước) và khu vực tư nhân để cung cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, các phương tiện, trang thiết bị phục vụ khách du lịch.
- Chi tiêu về xúc tiến quảng bá và các dịch vụ công cộng. Đây là tổng số tiền của khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân chi cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, dịch vụ an ninh và dịch vụ vệ sinh.
Những chi tiêu như trên tạo ra cho xã hội thu nhập và việc làm. Do vậy việc đánh giá vai trò của du lịch trong nền kinh tế chỉ đơn thuần dựa vào chi tiêu của khách du lịch là chưa đầy đủ. Nhiều khoản chi tiêu khác với mục đích đáp ứng nhu cầu của ngành Du lịch cũng cần được tính đến vì chúng có tác động lớn đến sự phát triển của nền kinh tế…
Bằng việc tính toán định lượng tác động kinh tế của du lịch, chúng ta có thể nhận thức được rõ nét hơn vai trò quan trọng của du lịch đối với phát triển kinh tế đất nước. Từ đó có thể đưa ra những chính sách ưu tiên cho du lịch phát triển.
Ths. Vũ Quốc Trí Giám đốc Dự án EU - Tổng cục Du lịch
Gửi bình luận