Di tích thờ Đức Thánh Tản Viên Xứ Đoài
Xứ Đoài xưa là tên gọi khác của tỉnh Sơn Tây, 1 trong 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ ( năm 1831) thời vua Minh Mạng. Đoài có nghĩa là phía Tây của thành Thăng Long ( Hà Nội) bao gồm diện tích, dân số của các tỉnh: Vĩnh Phúc, phía Bắc Phú Thọ, 1 phần Tuyên Quang và các huyện Tây Bắc ngoại thành Hà Nội ngày nay, tỉnh lị là Thị xã Sơn Tây ngày nay. Trong những di sản văn hóa phong phú Xứ Đoài có tín ngưỡng thờ Đức Thánh Tản Viên - Người được dân Nam nước Việt tôn vinh là “ Nam thiên Đệ nhất phúc đẳng thần ” đứng đầu trong Tứ bất tử.
Đền Và nằm ẩn mình trong rừng lim và những cây cổ thụ 4 mùa xanh tốt thuộc phường Trung Hưng - Thị xã Sơn Tây. Đền nằm trên 1 thế đất của 1 con rùa đang bơi hướng ra phía mặt trời mọc. Đền Và còn gọi là Đông Cung. Lễ hội diễn ra từ ngày 15 đến ngày 17/1 âm lịch hằng năm, cứ 3 năm 1 lần vào các năm chẵn Tý - Mão - Ngọ - Dậu dân làng và chính quyền lại mở hội chính. Đây là lễ hội có qui mô bề thế và thu hút số lượng đông đảo người dân khắp nơi tham gia – được coi là lễ hội lớn nhất vùng. Trong lễ rước Thánh sang sông có 8 làng tham gia; lễ hội ở Đền Và đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016. Đền Hạ thuộc xã Minh Quang - Ba Vì, còn gọi là Tây Cung. Lễ hội diễn ra vào ngày 15/1 âm lịch để tưởng nhớ ngày sinh của Thánh Tản và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Đền tọa lạc tại 1 bãi đất bằng phẳng dưới chân núi Tổ, ven bờ Đà Giang.
Đền Trung còn gọi là Trung Cung nơi thờ bà Man Thị Cao Sơn - mẹ nuôi của Đức Thánh. Đền nằm ở vị trí lưng chừng phía Tây núi Ba Vì ( cốt 600m) thuộc xã Minh Quang. Đền Thượng tọa lạc trên độ cao 1227m thuộc Vườn quốc gia Ba Vì. Đến đây du khách không chỉ được nghiêng mình kính cẩn thắp nén nhang tưởng nhớ công lao trời biển của Thánh Tản mà còn được dành thời gian vãn cảnh uy nghi hùng vĩ chốn bồng lai tiên cảnh của ngọn núi tổ, khi thả tầm mắt nhìn ra 1 vùng địa giới rộng lớn của 3 tỉnh thành phố: Hà Nội- Hòa Bình- Phú Thọ. Ngoài ra, đền cũng là nơi thờ các vị trong Tứ phủ, như Mẫu Thượng Ngàn, Đức Thánh Trần, Mẫu cửu Trùng Thiên, công chúa Quỳnh Hoa, Quế Hoa, hay những câu chuyện ly kỳ về Đức Thánh với dân với nước và vua Hùng.
Đền Ao Vua còn gọi là Nam Cung thuộc xã Tản Lĩnh - Ba Vì: nơi còn lưu giữ giấy Ngọc, tảng đá lớn mang dấu chân bên trái của Thánh Tản. Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh tại huyện Ba Vì đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng ngày 30/1/2018.
Đền Thính còn gọi là Bắc Cung thuộc xã Tam Hồng - Yên Lạc- Vĩnh Phúc. Sự tích kể lại rằng một lần Thánh cùng nghĩa quân nghỉ chân tại đây dạy dân trồng lúa, đánh cá- khi rời đi dân làng thấy sót lại 1 gói thính nên sau này đền có tên như vậy. Cũng có truyền thuyết kể lại rằng tại đây Thánh đã dạy dân làm thịt trộn với thính nên dân gian mới gọi như vậy. Ngoài ra ở Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc còn có đền Ngự Dội nơi gắn liền với sự tích hai cô thôn nữ nhờ phép màu của Thánh mà dùng sọt gánh cỏ gánh được nước sông Nhị Hà để dâng lên cho Ngài gột rửa tẩy bụi trường chinh trước khi Ngài về hóa Thánh trên đỉnh non Tản.
Đền Lăng Sương – Thanh Thủy – Phú Thọ nơi thờ Mẫu Đinh Thị Đen ( người có công sinh thành ra Thánh). Lễ hội diễn ra vào ngày 15/1 là kỷ niệm ngày sinh Thánh và ngày 25/10 là ngày Thánh Mẫu về trời.
Ngoài các di tích tiêu biểu trên, tại các ngôi đình cổ nổi tiếng của vùng, nhân dân cũng tôn thờ Đức Thánh làm vị Thành Hoàng làng của mình như: Đình Tường Phiêu ( Phúc Thọ), Thụy Phiêu ( Tây Đằng ), Thanh Lũng ( Ba Vì ), Mông Phụ ( Sơn Tây), Sơn Bao ( Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc), hay cả ở vùng Sơn Nam xưa cũ như đền Kê Thượng, Miếu Sơn ( Hoa Lư – Ninh Bình), chùa Lỗi Sơn Gia Viễn ( Ninh Bình). Ngoài có công giúp dân trị thủy chế ngự thiên tai bảo vệ cuộc sống mùa màng , tại các di tích của vùng còn ghi dấu công lao của Ngài dạy dân những công việc rất quan trọng trong đời sống như: chống hạn, tìm ra lửa, săn bắt, múa hát; đánh bắt cá chế biến các món ăn từ cá và không quên giữ gìn bảo tồn nòi giống – đấy còn gọi là Lễ hội Đả Ngư vào ngày rằm tháng 9 âm lịch. Trong thời gian vừa qua việc bảo tồn tôn tạo các di tích – tổ chức tốt các lễ hội luôn được các cấp chính quyền và đông đảo nhân dân quan tâm ủng hộ. Hầu như các di tích có liên quan đến việc thờ Đức Thánh Tản cùng 2 người em là Cao Sơn và Quý Minh hay thân mẫu của Người đều nhận được sự quan tâm của Nhà nước, sự ủng hộ tự nguyện có hiệu quả của các tổ chức cá nhân; các loại hình di tích như đình - đền – miếu được tu bổ tôn tạo theo đúng pháp luật, các hiện vật sắc phong được bảo quản giữ gìn; lễ hội diễn ra trang trọng – linh thiêng thu hút đông đảo nhân dân tham dự và có sức lan tỏa rộng lớn. Có thể kể đến các di tích như Đông Cung ( Đền Và) ở Sơn Tây, đền Thượng – đền Trung – đền Hạ ở Ba Vì; di tích quốc gia đặc biệt Đình Tây Đằng …
Hy vọng trong thời gian tới Nhà nước sẽ kết hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan khoa học chuyên môn ở các địa phương tiếp tục triển khai nhiều dự án chương trình nghiên cứu hiệu quả để khẳng định thêm các giá trị - tầm quan trọng của tín ngưỡng thờ Thánh Tản Viên Sơn cũng như các loại hình di sản vật thể trong cuộc sống hiện tại; góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng nền văn hóa cổ Xứ Đoài nói riêng và các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.
Gửi bình luận